Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiến hành các cuộc điều tra thu thập thông tin về dân số tại các hộ gia đình. Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024) thuộc loại điều tra toàn bộ kết hợp điều tra chọn mẫu đại diện, nhằm thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của tất cả các dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số thống kê được công bố vào đầu năm 2025, sẽ là mốc cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng các Chương trình, Kế hoạch phát triển có liên quan trong giai đoạn 2026 – 2030. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số về phát triển bền vững của Việt Nam sẽ được phân tích và báo cáo liên quan đến người dân tộc thiểu số, chỉ có thể lấy từ nguồn của cuộc điều tra này. Hệ thống thông tin dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ được chia sẻ cho những cơ quan dùng tin, đặc biệt là với Ủy ban Dân tộc và dùng báo cáo quốc tế có liên quan. Kết quả điều tra này mở đường định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo, bao gồm cả nghiên cứu định tính ‘Không ai bị bỏ lại phía sau’.
Tổng cục Thống kê là cơ quan có năng lực thống kê cao nhất ở Việt Nam, có kinh nghiệm tổ chức các cuộc điều tra dân số, đồng thời có một hệ thống các đơn vị thống kê chính quy, độc lập ở tất cả các tỉnh, các huyện. Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra 53 dân tộc thiểu số vào các năm 2015 và 2019, sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp bằng thiết bị điện tử thông minh (CAPI). Cuộc điều tra lần này đã được lên kế hoạch từ rất sớm (năm 2021) dựa trên nhu cầu số liệu của Ủy ban Dân tộc và được tiến hành theo chuẩn quốc gia, sẽ phân tích so sánh ở nhiều chỉ số ở cuộc điều tra năm 2019.
Mỗi cuộc điều tra có mục đích, ý nghĩa, phạm vi khác nhau và ở bối cảnh khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Việt Nam đã hình thành và đang hoàn thiện. Một số thông tin từ cơ sở dữ liệu này có thể là nguồn tham chiếu tốt trong việc thiết kế, phân tích kết quả. Tương tự, nhiều câu hỏi trong bảng hỏi của cuộc điều tra về dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, có thể sẽ được dùng trong phân tích so sánh, vì cùng nguồn điều tra của Tổng cục Thống kê và cùng năm điều tra. Như vậy, các thông tin số liệu nhờ đó sẽ được kiểm chứng tốt hơn. Đối với điều tra ở nhóm dân tộc thiểu số, một số nước có tỷ lệ không trả lời khá cao cho thấy việc đảm bảo chất lượng thông tin thu thập gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi triển khai thu thập thông tin cần đặc biệt lưu ý nhóm dân tộc thiểu số dưới 1.000 người, vì sẽ có thể ảnh hưởng đến kết quả phân tích của toàn bộ cuộc điều tra.
Chỉ khi các thông tin thu thập có chất lượng, thì các chuyên gia mới có căn cứ để phân tích và viết báo cáo. Chúng ta đang ở một trong bốn giai đoạn quan trọng nhất của một nghiên cứu (giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thu thập thông tin, giai đoạn phân tích viết báo cáo, giai đoạn phổ biến và sử dụng kết quả). Giống như cuộc điều tra năm 2019, phương pháp thu thập sẽ theo bảng hỏi bằng tiếng Việt đã được mặc định, để phỏng vấn trực tiếp CAPI. Tương tự, việc đảm bảo chất lượng các thông tin thu thập tại hộ gia đình theo CAPI là một khâu đã có kinh nghiệm nhưng vẫn khó kiểm soát nhất, vì lúc này nó diễn ra trên thực địa, những địa bàn thực tế rất khác nhau. Bài viết này xin đưa ra một số vấn đề cần lưu ý, vì nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng thu thập số liệu tại thực địa.
Thứ nhất, xét về quy mô nghiên cứu, đây là một điều tra rất lớn ở cấp quốc gia. So với Tổng điều tra dân số và nhà ở hay điều tra dân số giữa kỳ tuy nhỏ hơn, nhưng phức tạp hơn. Quần thể dân số nghiên cứu chiếm hơn 14% (khoảng hơn 14 triệu người) ở các địa bàn khắp cả nước từ Bắc đến Nam, tập trung nhiều ở vùng núi, vùng sâu xa và khó khăn, ước tính gần ba phần tư diện tích lãnh thổ quốc gia. Quần thể dân số này lớn gần gấp đôi dân số nước Lào (hơn 7,2 triệu người). Khâu tổ chức triển khai trên cả nước (54 tỉnh/thành) trong thời gian 45 ngày (bắt đẩu từ 1/7) sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn, chỉ đạo điều phối phải nhịp nhàng. Sự phối hợp và hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc cũng như sự tham gia chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đóng một vai trò quan trọng. Các tỉnh miền núi, tỉnh có nhiều địa bàn khó khăn rất cần được sự hỗ trợ đặc biệt của Ban chỉ đạo cuộc điều tra bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, nguồn nhân lực và kinh phí.
Thứ hai, về các điều tra viên và giám sát viên. Dù có áp dụng công nghệ thông tin nhiều đến mức độ nào, thì con người vẫn là chủ thể quyết định đến chất lượng thu thập thông tin. Hàng ngàn Điều tra viên và Giám sát viên của cuộc điều tra là một con số rất lớn, họ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng vào đảm bảo chất lượng và số lượng thông tin thu thập ở hộ gia đình. Do đó, đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt là ngay từ khâu tuyển chọn các điều tra viên, đào tạo và phỏng vấn tại các hộ gia đình. Trong đó đào tạo, tài liệu hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật là quan trọng nhất.
Điều tra viên thường được chọn là những người dân tộc thiểu số, có sức khỏe, nắm chắc địa bàn điều tra, có trình độ học vấn, có kinh nghiệm điều tra hộ gia đình, biết sử dụng điện thoại thông minh. Các câu hỏi tốt là các câu hỏi dễ hiểu, ít phải đào tạo, dù ai trả lời cũng cho kết quả như nhau. Trong bảng hỏi của điều tra lần này, nhiều câu hỏi và các khái niệm đơn giản và không mới lạ nên việc đào tạo cũng thuận tiện. Vì sẽ sử dụng bảng hỏi điện tử trên điện thoại thông minh, vì vậy họ rất cần có thị lực tốt và thành thạo việc sử dụng điện thoại thông minh. Việc đào tạo điều tra viên thường kéo dài hơn so với đào tạo của các cuộc điều tra khác vì thêm thời gian thực hành đóng vai, hỏi đáp cho những tình huống đặc biệt. Một số tài liệu hướng dẫn cần phải dịch chuẩn sang tiếng người dân tộc, nơi mà điều tra viên sẽ cần phải dùng để hỗ trợ họ khi phỏng vấn, nhằm hạn chế các lỗi do ngôn ngữ khi giao tiếp.
Trước khi phỏng vấn: Ngoài việc phải tuân thủ đúng những quy định về nghiệp vụ và quy trình phỏng vấn, điều tra viên phải có đủ các kỹ năng phỏng vấn, tự tin chuyên nghiệp và có thái độ đúng mực trong giao tiếp tại hộ sẽ phỏng vấn. Kể cả điều tra viên là người ở địa bàn điều tra cũng không được chủ quan, phải tuân thủ đúng các bước đã được đào tạo. Nên có thêm một quyển sổ ghi chép như nhật ký ghi lại các sự kiện mỗi lần đi phỏng vấn. Sau khi được phân công địa bàn điều tra, họ cần tham khảo ý kiến của già làng trưởng bản, lãnh đạo cộng đồng để có những lời khuyên tốt nhất nhằm nắm chắc địa bàn và các hộ điều tra. Cũng cần chuẩn bị cho tình huống đến nhà nhiều lần vẫn không gặp, hoặc gặp nhưng vẫn không thu được đầy đủ thông tin như bảng hỏi yêu cầu.
Trong quá trình phỏng vấn: Thời gian phỏng vấn có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút, tùy từng hộ. Màn chào hỏi, sẽ kéo dài hơn so với các cuộc điều tra khác. Chuẩn bị cho sự đón tiếp sẽ rất nhiệt tình của gia chủ, có thể sẽ được mời uống nước trà hoặc uống rượu. Cũng cần chuẩn bị cho tình huống gia chủ rất rụt rè, nhút nhát không muốn bắt chuyện. Trước khi bước vào nhà để phỏng vấn, cần dự tính khoảng thời gian phỏng vấn, không quá giờ buổi trưa hay tối muộn, để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Hình thức trang phục quần áo, và màu sắc cũng cần tham khảo thêm từ những người trong cộng đồng. Có những nhóm đồng bào dân tộc kiêng kỵ hoặc không thích một số màu sắc nào đó, hoặc màu đó chỉ dành cho một số vị rất quan trọng khi tiến hành nghi lễ, đôi khi chúng ta không hề biết. Một số ngôi nhà sàn khi vào phải rửa chân, bỏ dép và đi lên theo cầu thang lớn vào cửa chính… Như vậy, cần phải để ý đến yếu tố văn hoá của mỗi nhóm dân tộc thiểu số rất đa dạng và khác nhau.
Việc có được sự hợp tác của người sẽ trả lời phỏng vấn ngay từ phút gặp đầu tiên rất quan trọng. Trong màn chào hỏi, nên chào những người cao tuổi nhất trong gia đình, nếu gặp. Chọn nơi ngồi phỏng vấn chỗ có đủ ánh sáng, cảm thấy thoải mái như một cuộc nói chuyện, không nên ngồi quay lưng vào Ban thờ (nếu gia đình có), không nên ngồi nhìn thẳng vào buồng ngủ hoặc góc ngủ. Điều tra viên luôn để ý quan sát thái độ ứng xử, cử chỉ của chủ nhà hay thành viên trong gia đình để có những câu nói ứng xử phù hợp. Với thái độ tôn trọng người tham gia phỏng vấn, nên hỏi thêm các câu hỏi thăm dò, ví dụ: Ngồi chỗ này ông/bà thấy có được không, ý kiến ông/bà thế nào; nói lời xin lỗi trước khi đặt câu hỏi về người đã mất nếu có trong hộ… Cảm ơn đúng lúc, đúng những gì họ đã giúp hay hỗ trợ (không hình thức, không khách sáo), không hỏi những câu ngoài bảng hỏi, đảm bảo bí mật thông tin đã thu thập. Trong một số tình huống đặc biệt, không được phép chỉ trích, ví dụ: Sao cưới sớm thế, có con sớm thế là vi phạm pháp luật, sao không cho con đi học sớm hơn, sao không dùng biện pháp tránh thai, để gia súc gần nhà là mất vệ sinh… vì đó không phải là mục đích của điều tra nghiên cứu. Điều tra nghiên cứu là phải thu thập đúng thông tin từ hộ gia đình và cộng đồng. Đây cũng là một phần có liên quan đến quy định và đạo đức trong nghiên cứu, mà các điều tra viên phải tuân thủ. Điều tra viên cần phải thuộc lòng các câu hỏi và trình tự hỏi ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên. Không nên luôn cúi nhìn vào màn hình điện thoại mà nên nhìn lên gương mặt người được phỏng vấn với nét biểu cảm biết ơn họ. Cần chuẩn bị cho tình huống bị đơ màn hình hoặc cảm ứng của điện thoại, nên có Pin sạc dự phòng khi cần. Qua cuộc phỏng vấn, nên để lại ấn tượng tốt, phỏng vấn viên rất chuyên nghiệp, tin tưởng và thân thiện. Điều tra viên cần lưy ý những gì đã nói tại hộ gia đình, điều đó có thể sẽ bị diễn giải không đúng trong bàn thảo của gia đình hay cộng đồng.
Kết thúc phỏng vấn: Cảm ơn gia đình đặc biệt là người cao tuổi trong nhà (nếu có) đã dành thời gian trả lời các câu hỏi, một lần nữa khẳng định thông tin thu được chỉ phục vụ cho cuộc điều tra lần này, không dùng cho mục đích nào khác và được giữ bí mật. Điều tra viên cũng có thể hỏi lại, ông/bà anh/chị có thắc mắc hay hỏi tôi gì không. Chào và chúc sức khỏe. Cũng nên thông báo trước, xin phép giữ liên lạc qua điện thoại hoặc sẽ quay lại nhà nếu cần để làm rõ thêm một số thông tin trong thời gian có điều tra.
Thứ ba, hiểu đối tượng tham gia trả lời phỏng vấn. Các nhóm người dân tộc thiểu số luôn được xem là nhóm yếu thế, được ưu tiên hỗ trợ để đảm bảo phát triển công bằng và bền vững. Nếu so với các cuộc điều tra dân số khác, thì người cung cấp thông tin rất khác nhau giữa các địa bàn điều tra. Họ có trình độ nhận thức, trình độ học vấn và điều kiện sống có thể rất khác nhau và có sự đa dạng về văn hóa, tập tục riêng. Không có nhiều nghiên cứu cụ thể chỉ ra mức độ khác biệt, nhưng có chung nhận định rằng mức thu nhập và điều kiện sống thấp hơn so với nhóm người Kinh. Phần lớn người trả lời và các hộ đều có người có thể nói được tiếng phổ thông, tuy nhiên ngôn ngữ vẫn có thể là một rào cản trong khi phỏng vấn. Một số câu chữ có thể cần phải giải thích thêm bằng tiếng dân tộc mới dễ hiểu. Vì vậy, sau các lần thử nghiệm bảng hỏi, cần chuẩn bị trước những câu hỏi trong bảng hỏi cần có giải thích thêm bằng tiếng dân tộc. Trong 53 nhóm dân tộc thiểu số hiện nay, có những nhóm dân tộc trên 1,5 triệu người nhưng cũng có những nhóm dân tộc dưới 1.000 người. Đối với các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người phải đạt đầy đủ số lượng các phỏng vấn đã quy định và các thông tin thu được phải đạt chất lượng. Đặc biệt, khi triển khai thu thập thông tin, cần có kế hoạch hỗ trợ riêng cho những địa bàn có rất ít người dân tộc (Ơ Đu, Brâu, Rơ Măng, Pu Péo, Si La).
Thứ tư, hiểu biết trước cách phân tích tính toán: Một số chỉ số đòi hỏi ước tính rất phức tạp khi phân tích, các điều tra viên cần biết để đặc biệt lưu ý khi thu thập thông tin. Các chỉ số này bao gồm: Tỷ suất tử vong mẹ ở nhóm dân tộc thiểu số, sẽ được ước tính từ cuộc điều tra này. Thông tin về tử vong là thông tin rất buồn của gia đình, vì vậy rất dễ bị bỏ qua, hoặc không muốn đề cập đến trong 4 phỏng vấn. Tuy nhiên, cần hiểu rằng chỉ bỏ qua một hai trường hợp tử vong mẹ, thì kết quả phân tích về tỷ suất sẽ rất khác. Tương tự, các thông tin thu thập để tính các tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh; tuổi thọ trung bình, đẻ tại nhà, tỷ số về khuyết tật… Tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm trước 18 tuổi hay trước 15 tuổi khá phổ biến ở đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên câu hỏi liên quan đến tháng và năm kết hôn lần đầu thường không nhớ chính xác theo lịch dương. Việc phân định giữa tuổi là 18 hay 19, giữa tuổi 15 hay 16 sẽ ảnh hưởng đến kết quả tính các tỷ lệ này.
Chất lượng thu thập thông tin ở thực địa luôn là khâu khó đảm bảo nhất trong các cuộc điều tra, vì nó bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Cuộc điều tra lần này, dù chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm và bài học từ các cuộc điều tra trước, nhưng cũng không được chủ quan và phải bảo đảm chất lượng ở tất cả các bước, dù là bước nhỏ nhất. Xin chúc cho cuộc điều tra lần này sẽ thành công và kết quả sẽ được sử dụng rộng nhất.
Nguyễn Xuân Hồng
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
Tài liệu tham khảo cho bài viết:
https://consosukien.vn/phuong-an-dieu-tra-thu-thap-thong-tin-ve-thuc-trang-kinh-te-xa-hoi-cua-53- dan-toc-thieu-so-nam-2024.htm
https://consosukien.vn/hoi-dap-ve-dieu-tra-thu-thap-thong-tin-ve-thuc-trang-kinh-te-xa-hoi-cua-53- dan-toc-thieu-so-nam-2024.htm
Nguồn: consosukien.vn