Để nâng cao chất lượng thu thập thông tin Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, Tổng cục Thống kê tiếp tục tăng cường công tác giám sát bằng nhiều hình thức tới tận địa bàn điều tra.
Việc giám sát Điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (Điều tra 53 DTTS năm 2024) nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, các lỗi mang tính hệ thống và sai sót gặp phải trong việc tổ chức thực hiện điều tra tại địa bàn, giúp các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (viết gọn là Cục Thống kê) có biện pháp giải quyết kịp thời; Bảo đảm việc thu thập thông tin được tiến hành theo đúng quy trình, nội dung hướng dẫn trong Phương án Điều tra 53 DTTS năm 2024; Bảo đảm tiến độ, chất lượng thông tin thu thập.
Công tác giám sát Điều tra 53 DTTS năm 2024 phải đảm bảo các yêu cầu: Lập kế hoạch, chương trình giám sát; Thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với những nội dung quan trọng; Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo công việc giữa các đoàn, các cấp giám sát, gây khó khăn, phiền hà cho cấp thực hiện; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền.
Nội dung giám sát điều tra được thực hiện theo Phương án Điều tra 53 DTTS năm 2024, trong đó, đối với công tác tuyên truyền tập trung vào kiểm tra, giám sát về các nội dung truyên truyền liên quan đến đến hình thức, thời gian, thời lượng và tài liệu tuyên truyền theo quy định.
Đối với công tác thu thập thông tin tại địa bàn: Kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thu thập thông tin, đánh mã ngành/nghề, phê duyệt phiếu theo quy định trong Phương án Điều tra 53 DTTS năm 2024 và Sổ tay hướng dẫn; Kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, logic của các thông tin đã được ghi trên phiếu điều tra; Kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra thực địa để xử lý.
Điều tra 53 DTTS năm 2024 thực hiện giám sát bằng 2 hình thức: Giám sát trực tuyến (Giám sát thông qua Web điều hành); Giám sát trực tiếp (Các đoàn giám sát lập Kế hoạch chi tiết và thông báo đến các Cục Thống kê).
Lực lượng giám sát điều tra cấp Trung ương gồm: Lãnh đạo, công chức, viên chức thuộc Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Cục TTDL), Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Vụ DSLĐ) và các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục Thống kê; Lãnh đạo và công chức thuộc Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo và cán bộ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).
Đoàn giám sát điều tra 53 DTTS năm 2024 có nhiệm vụ phân công thành viên Đoàn thực hiện giám sát trực tuyến đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân công giám sát. Tiến hành giám sát trực tuyến đối với tất cả các khâu của điều tra, đặc biệt trong công tác lập bảng kê hộ; Làm việc với Cục Thống kê nắm tiến độ, tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp trên để có hướng xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; Giám sát tại thực địa để đánh giá chất lượng thông tin đã thu thập.
Đối với giám sát trực tuyến, các giám sát viên (GSV) có nhiệm vụ thường xuyên sử dụng các công cụ đã được thiết kế trên phần mềm kiểm tra, giám sát nắm bắt tiến độ tập huấn, xử lý các lỗi phát sinh trong quá trình điều tra; Giám sát điều tra viên trong việc thực hiện kiểm tra phiếu điều tra đã điền thông tin để bảo đảm tiến độ; Giám sát và đôn đốc thực hiện đánh mã ngành/nghề, mã dân tộc theo đúng tiến độ.
Đối với giám sát trực tiếp, các GSV làm việc với Cục Thống kê nắm tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý, giải quyết; Thực hiện theo chỉ đạo của trưởng đoàn giám sát, bám sát lịch trình để thực hiện nhiệm vụ; Tham dự phỏng vấn trực tiếp tại đơn vị điều tra; Ghi chép đầy đủ thông tin trong quá trình dự phỏng vấn; Tổng hợp thông tin trong quá trình giám sát báo cáo trưởng đoàn giám sát.
Công tác giám sát Điều tra 53 DTTS năm 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có xã và địa bàn điều tra, đặc biệt tập trung vào khâu thu thập thông tin thực địa.
Ngày 01/7/2024, toàn ngành Thống kê đã tiến hành ra quân thu thập thông tin Điều tra 53 DTTS năm 2024. TCTK chia thành nhiều đoàn giám sát trong đó có 5 đoàn giám sát cấp Trung ương do các lãnh đạo Tổng cục làm Trưởng đoàn đi các địa phương nhằm nắm bắt tình hình công tác giám sát điều tra; kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo kịp thời giúp các địa phương hạn chế các sai sót trong quá trình điều tra, thu thập thông tin, đảm bảo tiến độ, chất lượng thu thập thông tin điều tra.
Trong những ngày đầu thu thập thông tin điều tra, các đoàn giám sát cấp Trung ương đều có chung đánh giá, công tác chuẩn bị và tổ chức thu thập thông tin tại các địa phương thực hiện tốt, đúng phương án; công tác phối kết hợp với các sở ban ngành và lãnh đạo tại địa phương tốt, tạo thuận lợi cho việc triển khai thu thập thông tin điều tra; các điều tra viên phỏng vấn đúng quy trình và thực hiện đúng các bước nhảy câu hỏi phỏng vấn hộ; công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đem lại hiệu quả cao, các hộ dân nhiệt tình hợp tác cung cấp thông tin cho điều tra viên...
Theo Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin (Cục TTDL), cả nước có 14.928 địa bàn điều tra, số hộ điều tra là 523.046 hộ, huy động 1753 GSV và gần 1 vạn ĐTV.
Báo cáo tiến độ của Cục TTDL cho biết, tính đến 10h30 ngày 10/7/2024, đã hoàn thành phỏng vấn được 134632 hộ, đạt 25,73%. Trong đó, một số địa phương có tiến độ thực hiện khá nhanh, đạt trên 40% như: Tây Ninh (48,13%), Bình Phước (47,56%), Trà Vinh (41,90%).
10 địa phương có tiến độ điều tra đạt cao
(Tính đến thời điểm 10h30 ngày 10/7/2024)
Theo kế hoạch, công tác giám sát trực tiếp sẽ được tiến hành đến ngày 20/7/2024 và giám sát trực tuyến đến ngày15/8/2024.
Nguồn: consosukien.vn