Đang xử lý.....

Hoạt động thu thập thông tin thống kê được tổ chức một cách khoa học, hiệu quả là yếu tổ quyết định đến việc đảm bảo chất lượng các sản phẩm đầu ra thống kê.

Trong ba hình thức thu thập dữ liệu đầu vào phục vụ mục đích thống kê gồm: điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê định kỳ, khai thác nguồn dữ liệu từ hồ sơ hành chính thì hình thức thu thập thông tin bằng điều tra thống kê vẫn là chủ yếu. Hàng năm, Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thực hiện gần 70% số cuộc điều tra lớn nhỏ trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.  Ngoài ra, Tổng cục Thống kê còn tiến hành một số cuộc điều tra ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ, ngành và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của xã hội.

Những năm trước khi thành lập Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê (Cục TTDL), Tổng cục Thống kê đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin thống kê. Tuy nhiên, hoạt động thu thập thông tin thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là, hoạt động thu thập thông tin còn tổ chức phân tán ở nhiều đơn vị thuộc Tổng cục và khép kín theo từng lĩnh vực thống kê, chưa gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin đối với hoạt động thống kê trong toàn Ngành. Thời gian này, chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin thuộc Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, chỉ gồm một số công chức. Về chức năng xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê thuộc thẩm quyền của 3 Trung tâm tin học thống kê thuộc Tổng cục và không gắn trực tiếp với đơn vị nghiệp vụ (đơn vị trực tiếp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê), đồng thời 3 Trung tâm tin học thống kê này ngang cấp với Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin nên gây khó khăn trong quản lý, điều hành. Mô hình này hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin. Một số điểm hạn chế lớn của mô hình tổ chức hoạt động này làm cho sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đối với các hoạt động chuyên môn manh mún, rời rạc, không hình thành được hệ thống tập trung thống nhất.

Các hạn chế, bất cập chủ yếu có thể khái quát như sau:

Một là, việc tổ chức thu thập thông tin đầu vào phân tán ở các vụ thống kê chuyên ngành thuộc Tổng cục và các phòng thống kê chuyên ngành thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh (gọi chung là các cơ quan thống kê chuyên ngành) đã tạo ra gánh nặng cho các cơ quan thống kê chuyên ngành. Các cơ quan thống kê chuyên ngành vừa phải tổ chức thu thập, xử lý thông tin, vừa phải biên soạn các chỉ tiêu thống kê, phân tích và dự báo xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực phụ trách.

Hai là, tình trạng tổ chức thu thập thông tin đầu vào được thực hiện theo quy trình khép kín (từ khâu xác định nhu cầu thông tin, thiết kế điều tra, tổ chức thu thập thông tin, xử lý, phân tích và công bố kết quả điều tra) ở từng cơ quan thống kê chuyên ngành đã không tạo ra cơ chế kiểm soát chéo giữa các cơ quan thống kê chuyên ngành để phát hiện ra các lỗi dữ liệu, mà còn có hiện tượng cát cứ, cục bộ dữ liệu ở từng cơ quan thống kê chuyên ngành.

Ba là, tổ chức thu thập thông tin đầu vào phân tán và khép kín nói trên đã không hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi về xây dựng các mẫu điều tra, thiết kế các công cụ và hình thức thu thập thông tin, thiết kế hệ thống biểu tổng hợp... Tình trạng các phiếu điều tra (Công cụ thu thập thông tin) được sử dụng trong các cuộc điều tra chưa được chuẩn hóa về định dạng cũng như một số khái niệm, nội dung điều tra. Đối tượng, đơn vị, phạm vi điều tra còn bị trùng hoặc sót trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn.

Bốn là, về hạ tầng công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm và hệ thống mạng máy tính):

- Hệ thống công nghệ thông tin ngành Thống kê bao gồm một mạng diện rộng kết nối hệ thống máy móc thiết bị phần cứng ở Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê cấp tỉnh thông qua đường truyền nội bộ. Tuy nhiên, dịch vụ cung cấp trên mạng diện rộng này hiện nay rất nghèo nàn, chủ yếu là dịch vụ thư điện tử và một vài dịch vụ đơn giản khác, chưa có dịch vụ thuộc chuyên ngành thống kê.

- Phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn đơn lẻ, phục vụ một vài tác nghiệp cụ thể, thiếu tính hệ thống, không có sự liên kết theo chuỗi thời gian và liên kết giữa các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ.

- Đội ngũ công chức quản lý công nghệ thông tin mỏng, trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin và thống kê còn nhiều hạn chế bất cập, chưa tương ứng với yêu cầu của nhiệm vụ được giao gây nhiều khó khăn cho sự phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin của ngành Thống kê.

- Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin do một đơn vị không chuyên nghiệp chỉ đạo, quản lý; do nhiều đơn vị ngang hàng, ngang cấp vận hành gây rất nhiều khó khăn trong triển khai chủ trương, chương trình; không thể thống nhất và đồng bộ cả về chuẩn mực kỹ thuật và quản trị vận hành, đã gây khó khăn trong việc tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục Thống kê thực hiện ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tại Tổng cục Thống kê.

Nhằm khắc phục hạn chế, bất cập nói trên, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đề ra giải pháp: “Đổi mới cơ cấu tổ chức của Hệ thống thống kê tập trung theo hướng chuyên môn hóa các hoạt động thống kê (thu thập, xử lý và tổng hợp, phân tích và dự báo, truyền đưa, lưu giữ và phổ biến thông tin thống kê)”;

“Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê và hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia theo hướng tin học hóa. Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển công tác thống kê của Hệ thống thống kê tập trung; thống kê Bộ, ngành và địa phương. Áp dụng phương pháp điều tra thống kê điện tử để thu thập và truyền đưa thông tin thống kê qua Trang thông tin điện tử của các cơ quan thống kê. Trên cơ sở chuẩn hóa, đồng bộ hóa các sản phẩm thống kê, các bảng phân loại và bảng danh mục, các biểu mẫu báo cáo và biểu mẫu điều tra, tiến hành xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng nhằm tự động hóa các khâu xử lý, tổng hợp, phân tích và dự báo thống kê. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu thông tin thống kê quốc gia tập trung tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương. Phát triển các ứng dụng Chính phủ điện tử trên internet của Hệ thống thống kê Nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Thống kê năm 2015 đã quy định nhiều nội dung mới, trong đó có yêu cầu Hệ thống thống kê tập trung phải được đổi mới về cơ cấu tổ chức theo hướng chuyên môn hóa hoạt động thống kê, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê.

Căn cứ vào nhu cầu của thực tiễn và cơ sở pháp lý kết hợp với tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền thống kê tiên tiến, Tổng cục Thống kê đã có bước đi mạnh mẽ, tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đổi mới sắp xếp lại mô hình tổ chức của toàn ngành Thống kê. Trong đó có việc ra đời của Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê.

Cục Thu thập dữ  liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Cục TTDL) thành lập ngày 20 tháng 5 năm 2020 theo Quyết định số 1001/QĐ-TCTK của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Cũng là thời điểm ngành thống kê chuẩn bị tròn 75 năm thành lập. Là một tổ chức hành chính thuộc Tổng cục Thống kê, thực hiện chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quản lý và tổ chức hoạt động thu thập thông tin thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông trong hoạt động thống kê theo quy định của pháp luật, bảo đảm kết nối thông suốt hệ thống mạng của Tổng cục Thống kê với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành. Cục TTDL tổ chức thực hiện 19 nhiệm vụ thuộc quyền hạn của mình, trong đó nổi bật là 09 nhiệm vụ chính như sau: (1) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê để trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành: Chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, hàng năm và các quy chế, quy định về hệ thống thu thập thông tin thống kê, chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia; ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông trong ngành Thống kê; Quyết định tổng điều tra dân số và nhà ở; tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; tổng điều tra kinh tế; tổng điều tra thống kê quốc gia khác. (2) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành hoặc để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định: Phương án tổng điều tra thống kê quy định; phương án điều tra thống kê được phân công trong chương trình điều tra thống kê quốc gia và điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia; kế hoạch điều tra thống kê hàng năm; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ; quy chế phối hợp sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước và văn bản khác về quản lý hoạt động thu thập dữ liệu thống kê; Ban hành các văn bản quản lý về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông trong ngành Thống kê, gồm: Quy chế, quy định; danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật; định mức kinh tế, kỹ thuật; bảng mã dùng chung trong xử lý thông tin thống kê. (3) Phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính trình cấp có thấm quyền phê duyệt dự án, kế hoạch trung hạn và hàng năm về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông trong ngành Thống kê. (4) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, bộ, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp cung cấp, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước theo quy định của pháp luật. (5) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án, quyết định, chỉ thị sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành. (6) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở; tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; tổng điều tra kinh tế và tổng điều tra, điều tra thống kê khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thực hiện các cuộc điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phân công; thực hiện các cuộc điều tra thống kê ngoài chưong trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định; báo cáo thực hiện điều tra, tổng điều tra thống kê. (7)Thực hiện tự đánh giá chất lượng thống kê thuộc lĩnh vực phụ trách. (8) Tích hợp dữ liệu điều tra, tổng điều tra thống kê với dữ liệu hành chính, dữ liệu từ chế độ báo cáo thống kê và các nguồn dữ liệu khác phục vụ yêu cầu biên soạn số liệu thống kê của các đơn vị trong ngành Thống kê; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thống kê bao gồm dữ liệu vi mô, dữ liệu vĩ mô thống kê; quản lý chữ ký số của ngành Thống kê. (9) Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu bộ, ngành; cung cấp dữ liệu, thông tin có liên quan đến thông tin thống kê đã được công bố trong cơ sở dữ liệu thống kê cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân trong quá trình cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức của  Cục Thu thập dữ  liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê được tổ chức thành 4 phòng (Văn phòng, Phòng Thiết kế mẫu và Điều tra thống kê, Phòng Thu thập và Quản lý dữ liệu hành chính, Phòng Quản lý và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê) và 4 Trung tâm (Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ thống kê, Trung tâm Tin học khu vực I, Trung tâm Tin học khu vực II, Trung tâm Tin học khu vực III).

Chung nhan Tin Nhiem Mang