Đang xử lý.....

Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 

I. GIỚI THIỆU CHUNG
 

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021 về ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (viết gọn là Tổng điều tra).
 

 Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra.
 

Tổng điều tra kinh tế 2021 có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 05 loại đơn vị điều tra, trong đó: Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thực hiện 4 đơn vị điều tra là (i) Doanh nghiệp; (2) Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; (iii) Đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; (iv) Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thực hiện đơn vị điều tra là (v) Cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Nội vụ biên soạn báo cáo "Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả chính thức".
 

Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, cuộc Tổng điều tra kinh tế đã được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông qua Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Công an. Đến nay, công tác xử lý, tổng hợp kết quả chính thức đã hoàn thành theo đúng tiến độ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
 

Nhằm phổ biến kịp thời thông tin phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và người dùng tin, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 với các chỉ tiêu thống kê đa dạng, chuyên sâu hơn so với kết quả sơ bộ đã công bố ngày 11/01/2022. Thông tin từ kết quả Tổng điều tra phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; số lượng lao động; cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế; đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương. Đây là những thông tin hữu ích phục vụ Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành và địa phương xây dựng, ban hành chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và liên vùng sát với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và 10 năm (2021-2030) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
 

II. KẾT QUẢ CHÍNH THỨC TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2021
 

Số lượng và lao động của các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước.
 

Năm 2020, cả nước có hơn 6,0 triệu đơn vị điều tra, tăng 7,5% (tương đương tăng 423,6 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,8%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm giai đoạn 2006-2011. Số lao động trong các đơn vị điều tra năm 2020 là 27,5 triệu người, tăng 4,3% (tăng 1,1 triệu người); bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,1%/năm, thấp hơn mức tăng 3,6%/năm giai đoạn 2011-2016 và mức tăng 7,7%/năm giai đoạn 2006-2011.
 

Doanh nghiệp, hợp tác xã tăng trưởng tích cực và đạt tốc độ tăng cao nhất trong các đơn vị điều tra; các cơ sở SXKD cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại; các đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội giảm mạnh trong 5 năm qua.
 

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp tăng 7,9%/năm và số lao động tăng 1,2%/năm, đều thấp hơn mức tăng 8,7%/năm và tăng 5,1%/năm của giai đoạn 2011-2016.
 

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã (HTX) với số lao động là 167 nghìn người, tăng 17,6% về số HTX và giảm 16,9% về lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số lượng HTX tăng 4,1%/năm và số lao động giảm 4,5%/năm, trái ngược so với mức giảm 0,8%/năm và mức tăng 0,2%/năm của giai đoạn 2011-2016.
 

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (Cơ sở SXKD cá thể) năm 2020 đạt gần 5,2 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 5,9% về số cơ sở và tăng 5,2% về số lao động so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,4%/năm về số cơ sở và tăng 1,3%/năm về số lao động, thấp hơn mức tăng 3,0% và 1,8% của giai đoạn 2011-2016.
 

Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,2% về số lao động (giảm 158 nghìn người) so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số đơn vị sự nghiệp giảm 8,1%/năm và số lao động giảm 1,6%/năm, có xu hướng ngược lại so với  mức tăng lần lượt 0,5%/năm và tăng 2,8%/năm của giai đoạn 2011-2016; mức tăng 2,6%/năm và 5,0%/năm của giai đoạn 2006-2011.
 

Các hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 35,7 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và giảm 3,3% về số lao động so với năm 2016.
 

Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm việc so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,3%/năm về số cơ sở và tăng 4,5%/năm về số lao động (giai đoạn 2011-2016 tăng 3,6%/năm và tăng 1,8%/năm; giai đoạn 2006-2011 tăng 5%/năm và tăng 1,1%/năm).
 

Đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội có gần 32,3 nghìn đơn vị, giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 15,6%/năm. Trong đó, đơn vị hành chính là 27,1 nghìn đơn vị, giảm 22,0%[1] (giảm 7,7 nghìn đơn vị) so với năm 2006 và tổ chức chính trị - xã hội là 5,2 nghìn đơn vị, giảm 82,0%[2] (giảm 23,5 nghìn đơn vị).
 

Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, giảm mạnh ở khối doanh nghiệp và trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản
 

Lao động bình quân trong các đơn vị điều tra giảm nhẹ từ 4,7 người năm 2016 xuống 4,6 người năm 2020, trong đó: Doanh nghiệp giảm từ 27,7 người xuống 21,5 người (Doanh nghiệp nhà nước tăng từ 483,0 người lên 512,2 người; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm từ 17,6 người xuống 13 người; doanh nghiệp FDI giảm mạnh từ 296,7 người xuống còn 228,9 người); HTX giảm từ 15,4 xuống 10,9 người; cơ sở SXKD cá thể có quy mô lao động bình quân 1,7 người tương đương năm 2016. Các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ và tôn giáo, tín ngưỡng lại có biến động tăng so với năm 2016, cụ thể: Đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ năm 2020 có quy mô 41,2 người, tăng 8,9 người so với năm 2016; đơn vị hành chính 42,8 người, tăng 23,9 người; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng 3,6 người, tăng 0,3 người.
 

Xét theo khu vực kinh tế, Nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có số lượng lao động thấp nhất (chỉ chiếm 1,1% tổng số lao động của các đơn vị điều tra) nhưng có quy mô bình quân là 20,4 người, cao nhất trong 3 khu vực (năm 2016 là 29,2 người); khu vực Công nghiệp - Xây dựng đứng vị trí thứ 2 về số lượng lao động (chiếm 41,5%) với quy mô bình quân đạt 10,5 người (năm 2016 là 10,7 người) và khu vực Dịch vụ có số lượng lao động lớn nhất (chiếm 57,4%) nhưng quy mô lao động bình quân chỉ đạt 3,2 người (tương đương với năm 2016).
 

Trình độ người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở SXKD cá thể, hành chính, sự nghiệp và tôn giáo đã có sự thay đổi tích cực, trong đó khu vực hành chính, sự nghiệp dẫn đầu về trình độ đại học và trên đại học.
 

Trình độ đào tạo của người đứng đầu có những cải thiện đáng kể, được thể hiện ở tỷ lệ người đã qua đào tạo năm 2020 đạt 53,3%, tăng 5,1 điểm phần trăm so với năm 2016 và đều tăng lên ở tất cả các trình độ[3]. Tuy nhiên, tỷ lệ người đứng đầu chưa qua đào tạo năm 2020 vẫn chiếm tỷ trọng lớn với mức 46,7% (các cơ sở SXKD cá thể chiếm tới 53%), giảm 5,1 điểm phần trăm so với năm 2016.
 

Ở khối doanh nghiệp, tỷ lệ người đứng đầu có trình độ đại học và trên đại học là 64,5%, trình độ cao đẳng 8,6%, trình độ trung cấp 8,2%, trình độ khác (sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và trình độ khác) là 13% và chưa qua đào tạo là 5,7%. Tỷ lệ người đứng đầu có trình độ tương ứng ở HTX lần lượt là 29,2%, 5,8%, 23,5%, 23,2% và 18,3; ở cơ sở SXKD cá thể là 6,7%, 4,5%, 8%, 27,8% và 53%; ở đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội là 94,4%, 2,1%, 2%, 1,1% và 0,4%; ở cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là 22,5%, 4,6%, 14,4%, 15,3% và 43,2%.
 

Tỷ lệ lao động nữ biến động không nhiều; khu vực dịch vụ vẫn thu hút nhiều lao động nữ nhất nhưng đang có xu hướng giảm dần.
 

Năm 2020, lao động nữ chiếm 48,4% tổng số lao động đang làm việc trong các đơn vị điều tra, giảm nhẹ so với tỷ lệ 48,5% của năm 2016. Tỷ lệ lao động nữ khu vực doanh nghiệp đạt 46,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm 2016; HTX là 30,0%, tăng 0,9 điểm phần trăm; các đơn vị hành chính, sự nghiệp 51,0%, giảm 2,9 điểm phần trăm; cơ sở SXKD cá thể 50,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo 35,2%, giảm 3,5 điểm phần trăm. Kết quả điều tra cho thấy, lao động nữ tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã có xu hướng tăng lên, góp phần nâng cao vai trò của nữ giới, giảm sự bất bình đẳng giới tại Việt Nam.
 

Lao động nữ làm việc trong khu vực Dịch vụ năm 2020 vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 49,0%, tuy nhiên lại có xu hướng giảm dần trong 5 năm trở lại đây (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2016),  trong đó lao động nữ trong ngành giáo dục, đào tạo và y tế chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 71,9% và 60,3%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 47,2% (tăng 0,4 điểm phần trăm), trong đó lao động nữ ngành chế biến chế tạo chiếm 54,7%; khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,7% (tăng 1,5 điểm phần trăm).
 

Mức độ tập trung các đơn vị điều tra có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế, trong đó Đồng bằng sông Hồng tiếp tục là vùng thu hút nhiều đơn vị điều tra nhất cả nước.
 

Vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng đơn vị điều tra lớn nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị (chiếm 26% tổng số đơn vị điều tra của cả nước), thu hút 8,4 triệu lao động (chiếm 30,9% về lao động của cả nước); đứng thứ hai là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 1,3 triệu đơn vị (chiếm 21,9%), thu hút gần 4,5 triệu lao động (chiếm 16,5%); Đông Nam Bộ là 1,2 triệu đơn vị (chiếm 20,6%), thu hút 7,6 triệu lao động (chiếm 28%); đồng bằng sông Cửu Long là 1,1 triệu đơn vị (chiếm 17,8%), thu hút 3,5 triệu lao động (chiếm 17,8%); Trung du và Miền núi phía Bắc là 537 nghìn đơn vị (chiếm 8,9%), thu hút 2,3 triệu lao động; Tây Nguyên là vùng có số lượng đơn vị và số lao động chiếm tỷ trọng thấp nhất cả nước, lần lượt là 4,8% và 3,2%.
 

Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các đơn vị điều tra có nhiều cải thiện; khu vực Dịch vụ dẫn đầu về số lượng các đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng bằng Sông Hồng tập trung nhiều đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo nhất cả nước
 

Khu vực Dịch vụ dẫn đầu với 12.941 đơn vị có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), chiếm 70,0% số đơn vị R&D cả nước; 38.006 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến sản phẩm, chiếm 60,3%; 47.118 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến mô hình tổ chức, chiếm 67,4% và 30.993 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến quy trình SXKD, chiếm 56,0%. Tiếp theo là khu vực Công nghiệp - Xây dựng với 5.158 đơn vị R&D, chiếm 27,9%; 23.768 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến sản phẩm, chiếm 37,7%; 21.355 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến mô hình tổ chức, chiếm 30,6% và 22.822 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến quy trình SXKD, chiếm 41,2%. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đứng vị trí thấp nhất với 379 đơn vị R&D, chiếm 2,1%; 1.283 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến sản phẩm, chiếm 2,0%; 1.425 đơn vị có hoạt động đổi mới/cải tiến mô hình tổ chức, chiếm 2,0% và 1.545 đơn vị hoạt động đổi mới/cải tiến quy trình SXKD, chiếm 2,8%. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội có hoạt động đổi mới sáng tạo phân bố không đồng đều theo các vùng kinh tế; đồng bằng sông Hồng là vùng tập trung nhiều đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo nhất cả nước.
 

1. Doanh nghiệp và Hợp tác xã
 

Số doanh nghiệp và số lao động tăng nhanh trong giai đoạn 2016-2019 và chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 

Tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và giảm 3% về số lao động so với năm 2019[4], đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên so với năm 2016, Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng về số lượng đơn cao nhất trong các đơn vị điều tra, đạt 35,5% và lao động tăng 4,9%. Tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 9,8%/năm; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 2,6%/năm. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân là 7,9%; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 1,2%/năm.
 

Số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, ngược lại khu vực nhà nước giảm rõ rệt.
 

Xét theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 660,1 nghìn doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chiếm 96,4% tổng số doanh nghiệp cả nước và tăng 35,1% so với năm 2016; 22,2 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 3,3% và tăng 58,8%; gần 2 nghìn doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 0,3% và giảm 25,1% so với năm 2016 do chủ trương sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Về lao động, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước thu hút hơn 8,6 triệu lao động, chiếm 58,6% tổng lao động của doanh nghiệp, tăng 0,4% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm 34,6% và tăng 22,5%; doanh nghiệp Nhà nước có 1 triệu người, chiếm 6,8% và giảm 21,8%.
 

Doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô lao động bình quân cao nhất và có sự chênh lệch rất lớn so với quy mô lao động của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
 

Tại thời điểm 31/12/2020, quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước là 512,4 lao động; tiếp theo là doanh nghiệp FDI với 228,9 lao động; thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 13 lao động. Quy mô lao động bình quân của doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp qua các năm trong giai đoạn 2016-2020. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 99% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cả nước.
 

Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực Công nghiệp -  Xây dựng và khu vực Dịch vụ.
 

Khu vực Dịch vụ là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây với 466,5 nghìn doanh nghiệp tại thời điểm thời điểm 31/12/2020, chiếm 68,2% trong tổng số doanh nghiệp và tăng 31,7% so với năm 2016. Tuy nhiên, mức độ thu hút lao động của khu vực này chỉ đạt 5,2 triệu lao động, chiếm 35,1% trong tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 10,3% so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với khu vực Công nghiệp - Xây dựng. Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực Dịch vụ tăng 7,1%/năm về số lượng doanh nghiệp và tăng 2,5%/năm về lao động, trong đó ngành kinh doanh bất động sản và ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được nhịp tăng trưởng đều và ổn định với số doanh nghiệp bình quân mỗi năm tăng lần lượt là 14,4% và 11,3%, (cao hơn mức tăng 7,0%/năm và 8,3%/năm giai đoạn 2011-2015).
 

Khu vực Công nghiệp - Xây dựng đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế với 211,3 nghìn doanh nghiệp thời điểm 31/12/2020, chiếm 30,9% và tăng 44,4% so với năm 2016. Đây cũng là khu vực thu hút nhiều lao động nhất với 9,3 triệu lao động năm 2020, chiếm 63,5% tổng số lao động doanh nghiệp, tăng 2,7% so với năm 2016. Đáng chú ý trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng đến 122% so với năm 2019, là kết quả từ các cơ chế khuyến khích của Chính phủ thúc đẩy sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, năng lượng mặt trời. Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,6%/năm về số doanh nghiệp và tăng 0,7%/năm về lao động.
 

Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp thời điểm 31/12/2020 đạt 6,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 0,9% và tăng 45,1% so với năm 2016; thu hút 208,9 nghìn lao động, chiếm 1,4% và giảm 16,7% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,8%/năm về số doanh nghiệp và giảm 4,5%/năm về lao động.
 

Nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào doanh nghiệp duy trì nhịp tăng trưởng nhanh qua các năm; quy mô doanh nghiệp được mở rộng chủ yếu dựa vào tăng trưởng nguồn vốn thay vì tăng trưởng lao động.
 

Tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của toàn bộ doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2020 đạt 48,7 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 73,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn thu hút đạt 38,4 triệu tỷ đồng/năm với tốc độ tăng 14,8%/năm, tăng 104,1% so với giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng về vốn luôn ở mức cao hơn so với tốc độ tăng về số lượng lao động.
 

Cơ cấu nguồn vốn thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, giảm dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước. Tại thời điểm 31/12/2020, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 59,4% tổng vốn toàn doanh nghiệp, tăng 92,5% so với năm 2016; doanh nghiệp FDI chiếm 19,2%, tăng 84,4% năm 2016; doanh nghiệp nhà nước chiếm 21,4%, tăng 30,8%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, vốn doanh nghiệp ngoài nhà tăng 17,8%/năm và tăng 135,5% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp nhà nước tăng 6,9%/năm và tăng 55,2%; doanh nghiệp FDI tăng 16,5%/năm và tăng 105,5%.
 

Khu vực Công nghiệp - Xây dựng có quy mô nguồn vốn bình quân doanh nghiệp lớn nhất trong khi khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân doanh nghiệp ổn định nhất. Tại thời điểm 31/12/2020, khu vực Công nghiệp - Xây dựng có quy mô nguồn vốn bình quân đạt 75,7 tỷ đồng/doanh nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 69,4 tỷ đồng/doanh nghiệp và khu vực dịch vụ đạt 69,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, quy mô nguồn vốn bình quân doanh nghiệp khu vực Công nghiệp - Xây dựng là 70,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản 63,2 tỷ đồng/doanh nghiệp và khu vực Dịch vụ 60,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tương ứng tốc độ tăng là 21,4%; 11,1% và 31,2% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
 

Doanh thu thuần của doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016-2019,  nhưng có xu hướng giảm qua từng năm và chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 

Tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp tạo ra trong năm 2020 đạt 27,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019 và tăng 57% so với năm 2016. Tuy nhiên tốc độ tăng có xu hướng giảm dần, năm 2017 tăng 18,5%, 2018 tăng 14,4%; 2019 tăng 11,4% và năm 2020 tăng 4%. Doanh thu thuần của doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 23,1 triệu tỷ đồng/năm, tăng 12%/năm và tăng 85,8% so với giai đoạn 2011-2015. Theo loại hình kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra nhiều doanh thu thuần nhất, gấp 1,9 lần doanh nghiệp FDI và gấp 4,6 lần doanh nghiệp nhà nước. Bình quân giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 13,2 triệu tỷ đồng doanh thu mỗi năm, tăng 12,8%/năm; doanh nghiệp FDI tạo ra 6,6 triệu tỷ đồng/năm, tăng 14,1%/năm; oanh nghiệp nhà nước tạo ra 3,3 triệu tỷ đồng/năm, tăng 4,6%/năm.
 

Lợi nhuận tạo ra bởi doanh nghiệp có tốc độ tăng chưa đồng đều giữa các năm. Doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều lợi nhuận nhất trong các loại hình doanh nghiệp.
 

Năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 954 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 7,6%/năm, tuy nhiên tốc độ tăng hàng năm có nhiều  biến động: Năm 2017 tăng 23,3%; năm 2018 tăng 2,1%; năm 2019 giảm 0,6% và năm 2020 tăng 7,2%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận trước thuế do doanh nghiệp FDI tạo ra đạt 392,5 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 9,1%/năm và tăng 111,6% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 275,1 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 12%/năm và tăng 172,9% so với bình quân giai đoạn trước; doanh nghiệp nhà nước đạt 197,9 nghìn tỷ đồng/năm, giảm 0,3%/năm và tăng 15,2% so với bình quân giai đoạn trước.
 

Theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp trong khu vực Công nghiệp - Xây dựng đóng góp nhiều lợi nhuận nhất trong các khu vực của toàn bộ doanh nghiệp. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế do doanh nghiệp khu vực Công nghiệp - Xây dựng tạo ra đạt 545,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,2% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp và tăng 22,2% so với năm 2016. Doanh nghiệp khu vực Dịch vụ tạo ra 398,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,8% và tăng 52,8% so với năm 2016. Doanh nghiệp khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 9,7 nghìn tỷ đồng và tăng 100,9% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp khu vực Công nghiệp - Xây dựng có lợi nhuận trước thuế là 493,7 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 5,2%/năm và tăng 77% so với giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp khu vực dịch vụ 367,6 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 11,2%/năm và tăng 114,2%; doanh nghiệp khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,3 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 19,1%/năm và giảm 44,2%.
 

2. Hợp tác xã
 

Số lượng hợp tác xã (HTX) năm 2020 vẫn giữ nhịp tăng trưởng cao nhưng quy mô đang dần thu hẹp.
 

Tính đến 31/12/2020, tổng số hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước là 15,3 nghìn hợp tác xã, tăng 6,4% so với năm 2019 với số lao động làm việc là 167 nghìn người, giảm 7,2% so với năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số HTX tăng 4,1%/năm, tuy nhiên số lao động giảm 4,5%/năm. Quy mô HTX đang dần bị thu hẹp, số lao động bình quân mỗi HTX giai đoạn 2016-2020 là 13,2 người/HTX, giảm 23,5% so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh xu hướng thu hẹp quy mô của các HTX, dịch Covid-19 xảy ra cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của các HTX, tình trạng cắt giảm lao động trong các HTX năm 2020 mạnh hơn các năm trước.
 

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có 7,8 nghìn HTX đang hoạt động có kết quả SXKD, chiếm 50,8% tổng số HTX; thu hút 72,6 nghìn lao động, chiếm 43,5% lao động của toàn bộ HTX; 17,5 nghìn tỷ đồng nguồn vốn, chiếm 6,4% tổng nguồn vốn của HTX; tạo ra 9,6 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, chiếm 10,4% tổng doanh thu thuần của toàn bộ HTX và 303,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm 8,2% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ khu vực HTX. Khu vực Dịch vụ có 4,7 nghìn HTX, chiếm 30,7% tổng số HTX; thu hút 58,0 nghìn lao động, chiếm 34,7%; 228,2 nghìn tỷ đồng vốn, chiếm 83,4%; tạo ra 65,0 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, chiếm 70,5% và 2,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận thuần, chiếm 65,5%.
 

2. Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản
 

Số lượng và lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tiếp tục tăng nhưng phân bố các cơ sở cá thể giữa các vùng kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các vùng.
 

Tính đến năm 2020, cả nước có trên 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với số lao động là 8,7 triệu người, tăng 5,9% về số cơ sở (tăng 290,5 nghìn cơ sở) và tăng 5,2% về lao động (tăng 431,9 nghìn người) so với năm 2016, đây là mức tăng thấp nhất qua các kỳ Tổng điều tra[5].
 

Xét theo ngành kinh tế, số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể ngành xây dựng tăng 19,9% (tăng 15,8 nghìn cơ sở) so với năm 2016; ngành thương mại tăng 4,7% (tăng 106,8 nghìn cơ sở); ngành dịch vụ khác tăng 12,8% (tăng 193,0 nghìn cơ sở) và ngành vận tải, kho bãi tăng 10,4% (tăng 25,1 nghìn cơ sở); riêng số cơ sở cá thể ngành công nghiệp giảm 6,1% (giảm 50,2 nghìn cơ sở). Bình quân giai đoạn 2016-2020, cơ sở cá thể ngành xây dựng tăng 5,5%/năm; ngành dịch vụ khác tăng 3,5%/năm; ngành vận tải tăng 2,0%/năm; ngành thương mại tăng 1,6%/năm; ngành công nghiệp giảm 1,2%/năm.
 

Lao động của các cơ sở SXKD cá thể tập trung chủ yếu tại khu vực Dịch vụ với gần 6,7 triệu người, chiếm 76,5% tổng số lao động trong các cơ sở SXKD cá thể, tăng 2,6 điểm phần trăm so với năm 2016. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng thu hút hơn 2,0 triệu lao động. Người đứng đầu cơ sở SXKD cá thể chủ yếu là lao động phổ thông hoặc có trình độ đào tạo thấp. Tỷ lệ người đứng đầu chưa qua đào tạo ở các cơ sở cá thể có địa điểm hoạt động ổn định chiếm tới 53,0%; trình độ trung cấp chiếm 8%; trình độ cao đẳng chiếm 4,5%; trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm 6,7%.
 

Đồng bằng Sông Hồng vẫn là nơi tập trung nhiều cơ sở cá thể nhất cả nước, với 1,3 triệu cơ sở, chiếm 25,1%, tăng 3,7% so với năm 2016; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ hai với 1,2 triệu cơ sở, chiếm 23,1%, tăng 6,6%; Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,0 triệu cơ sở, chiếm 19,3%, tăng 1,9%; Đông Nam Bộ là 945,6 nghìn cơ sở, chiếm 18,2%, tăng 10,3%; Trung du và miền núi phía Bắc là 485,7 nghìn cơ sở, chiếm 9,3%, tăng 7,8%; Tây Nguyên là 260,2 nghìn cơ sở, chiếm 5,0%, tăng 10,0%.
 

Doanh thu bình quân một cơ sở cá thể năm 2020 là 624,3 triệu đồng; doanh thu bình quân 1 lao động đạt 381,5 triệu đồng; tổng giá trị đầu tư tài sản cố định 518,5 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư đạt 960,6 nghìn tỷ đồng.

 

3. Đơn vị sự nghiệp, Hiệp hội, Tổ chức phi chính phủ
 

Đơn vị hành chính, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp giảm về số lượng nhưng tăng nhẹ về lao động so với năm 2016.
 

Số lượng đơn vị hành chính, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây viết gọn là đơn vị hành chính) và đơn vị sự nghiệp tại thời điểm 31/12/2020 là 84,8 nghìn đơn vị, giảm 38,1% so với năm 2016; trong đó số lượng đơn vị hành chính là 32,3 nghìn đơn vị, giảm 49,1% so với năm 2016; đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị, giảm 28,6% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp giảm 11,3%/năm.
 

Lao động của các đơn vị hành chính và sự nghiệp tại thời điểm 31/12/2020 là 3.775,2 nghìn người, tăng 0,6% so với năm 2016, chủ yếu là do lao động của đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp y tế tăng lần lượt là 15% và 3,7%. Các đơn vị sự nghiệp còn lại lao động giảm mạnh, trong đó: Đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo là 1.680,7 nghìn người, giảm 5,3%; các đơn vị sự nghiệp khác là 202,9 nghìn người, giảm 23,2%, đơn vị sự nghiệp thông tin truyền thông 37,9 nghìn người, giảm 21,3% và đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao là 35,7 nghìn người, giảm 17,9%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, lao động của đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 0,2%/năm, trong đó đơn vị hành chính tăng bình quân 3,6%/năm, đơn vị sự nghiệp giảm bình quân 1,6%/năm.
 

Hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ đều giảm về số lượng đơn vị nhưng số lượng lao động lại tăng so với năm 2016.
 

Năm 2020, cả nước có gần 6,3 nghìn đơn vị hiệp hội đang hoạt động với số lao động là  31,2 nghìn người, giảm 2,2% về số lượng đơn vị và giảm 4,8% về số lượng lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 0,6% về số đơn vị và giảm 1,2% về số lao động.
 

Tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam là 184 tổ chức với số lao động là 4,6 nghìn người, giảm 17,1% về số đơn vị và tăng 8,5% về số lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 2,6% về số tổ chức và tăng 2,1% về số lao động.
 

Hơn hai phần ba số người đứng đầu các đơn vị hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ có trình độ chuyên môn đại đọc và trên đại học. Trong tổng số 6.482 đơn vị hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ, người đứng đầu có trình độ chuyên môn trên đại học chiếm 13,3%; đại học chiếm 54%; cao đẳng chiếm 3,4%; các trình độ khác chiếm 24,4 % và chưa qua đào tạo chiếm 4,9%.
 

4. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng
 

Số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có xu hướng tăng nhưng với tốc độ chậm dần
 

Tính đến năm 2020, cả nước có trên 46,8 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người so với năm 2016. Mặc dù tốc độ tăng số lượng của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016 so với 2011 (19,5%) và năm 2011 so với 2006 (27,4%) nhưng quy mô lao động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lại tăng từ 3,3 người/1 cơ sở năm 2020 lên 3,6 người/1 cơ sở năm 2016.
 

Số lượng các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2016. Cả nước có 10,1 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử, chiếm 21,6% trong tổng số cơ sở, tăng 1,4 nghìn cơ sở so với năm 2016, trong đó các di tích được xếp hạng cấp quốc gia chiếm 27,8% trong số các cơ sở đã được xếp hạng, tăng 234 cơ sở; các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố chiếm 72,2%, tăng 1,1 nghìn cơ sở.
 

Số cơ sở tôn giáo là 28,5 nghìn cơ sở, chiếm 60,9% trong tổng số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên có tới 88,2% cơ sở chưa được xếp hạng; các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử chỉ chiếm 11,8% với 3,4 nghìn cơ sở, chủ yếu là các cơ sở thuộc Phật giáo (chùa). Trong đó, các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố là 2,4 nghìn cơ sở; chiếm 72,5%; cấp Quốc gia là 925 cơ sở, chiếm 27,5% trong tổng số các cơ sở đã được xếp hạng. Phật giáo hiện là tôn giáo phổ biến nhất trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam (chiếm 65,4% tổng số cơ sở tôn giáo); đứng thứ hai là Công giáo (chiếm 23,6%); còn lại là các tôn giáo khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ (10%).
 

Số cơ sở tín ngưỡng là 18,3 nghìn cơ sở trên cả nước, trong đó có 11,6 nghìn cơ sở chưa được xếp hạng, chiếm 63,2%; số cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích là 6,7 nghìn cơ sở, chiếm 36,8%. Trong tổng số 6,7 nghìn cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng, số cơ sở được xếp hạng di tích cấp tỉnh/thành phố là 4,8 nghìn cơ sở, chiếm 72,0%; cấp Quốc gia đạt gần 1,9 nghìn cơ sở, chiếm 28,0%; trong tổng số các cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng. Cơ sở tín ngưỡng là đình chiếm tỷ trọng lớn nhất (52,6%); đứng thứ hai là đền (23,5%) và đứng thứ ba là miếu (19,1%)./.
 

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

 


 

[1] Kết quả của việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
 

[2] Nguyên nhân giảm chủ yếu do thay đổi về đơn vị điều tra. Trong phương án điều tra cơ sở hành chính năm 2021: Đảng uỷ xã/phường, Mặt trận Tổ quốc xã/phường, Hội Phụ nữ xã/phường, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên được thu thập thông tin trong phiếu của Uỷ ban nhân dân xã/phường. Trong Tổng điều tra năm 2017, các đơn vị trên là một đơn vị điều tra độc lập.
 

[3] Tỷ lệ người đứng đầu có trình độ đại học và trên đại học là 14,7%, trình độ cao đẳng 4,9%, trình độ trung cấp 8,1%, trình độ khác 25,6%.
 

[4] Tốc độ tăng  doanh nghiệp các năm giai đoạn 2016-2020: Năm 2016 tăng 14,1%; năm 2017 tăng 11,0%; năm 2018 tăng 9,0%; năm 2019 tăng 9,5%; năm 2020 tăng 2,3%.
 

Tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp các năm giai đoạn 2016-2020: Năm 2016 tăng 9,0%; năm 2017 tăng 3,6%; năm 2018 tăng 2,1%; năm 2019 tăng 2,3%; năm 2020 giảm 3,1%.
 

[5] Về số cơ sở: Năm 2016 tăng 15,9% so với năm 2011; năm 2011 tăng 23,7% so với năm 2006.Về số lao động: Năm 2016 tăng 9,3% so với năm 2011; năm 2011 tăng 19,8% so với năm 2006.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang