Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2015. Năm 2024 là lần thứ ba Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Tổng cục Thống kê (TCTK) tiếp tục phối hợp thực hiện Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số - Điều tra 53 DTTS (các cuộc Điều tra trước thực hiện vào năm 2015 và 2019). Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện đã có bài phỏng vấn Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm (TT-PCN) UBDT Nông Thị Hà.
PV: Thứ trưởng có thể đánh giá tổng quan về tình hình đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua?
TT-PCN Nông Thị Hà: Kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, tình hình KT-XH vùng DTTS&MN còn nhiều khó khăn, là vùng 05 “Nhất”: Cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững; Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; Quốc phòng, an ninh tiểm ẩn nhiều nguy cơ nhất.
Chính vì vậy, để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đánh giá sơ bộ của các địa phương, đến nay tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được một số kết quả tích cực: Cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có 25/52 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 5/52 tỉnh, thành phố đạt mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; 31/52 tỉnh, thành phố đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 38/52 tỉnh, thành phố đạt trên 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 18/52 tỉnh, thành phố đạt 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 27/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 29/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 25/52 tỉnh, thành phố đạt 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại các địa phương cơ bản đã được giải quyết. 16/52 tỉnh, thành phố hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định trên 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; 14/52 tỉnh, thành phố Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trên 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở…
Các vấn đề về giáo dục, y tế, an sinh xã hội của đồng bào dân tộc đã và đang ngày càng nâng cao: 36/52 tỉnh, thành phố đạt Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%; 36/52 tỉnh, thành phố đạt Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%; 32/52 tỉnh, thành phố đạt Tỷ lệ học trung học cơ sở trên 95%; 32/52 tỉnh, thành phố đạt Tỷ lệ học trung học phổ thông trên 60%; 33/52 tỉnh, thành phố đạt Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; 16/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt tỷ lệ 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 34/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt tỷ lệ 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; 25/52 tỉnh, thành phố giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%; 26/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt tỷ lệ 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số; 29/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt tỷ lệ 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 23/52 tỉnh, thành phố có trên 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ được chú trọng. Tính đến ngày 31/5/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS của cả nước là 260.209/2.147.892 người, chiếm 12%, trong đó: Trung ương là 9.390 người (chiếm 3,7% so với tổng số biên chế); địa phương là 250.819 người (chiếm 13,2%).
Số lượng nữ người DTTS là CBCCVC có 151.788/260.209 người, chiếm 58%, trong đó: Trung ương là 4.596/9.390 người (chiếm 48,9% trên tổng số CBCCVC người DTTS ở TW); địa phương là 147.192/250.891 người (58,68%).
Tổng số CBCCVC trẻ người DTTS (dưới 40 tuổi) là 130.074/260.209 người, chiếm 50%, trong đó: Trung ương là 3.844/9.390 người (chiếm 40,9% tổng số CBCCVC người DTTS ở TW); địa phương là 126.230/250.891 người (50,3%).
Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác tình hình đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau 4 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần dựa vào kết quả Điều tra, Thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024.
PV: Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số, Thứ trưởng nêu rõ tầm quan trọng, sự cần thiết triển khai Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 đối với việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
TT-PCN Nông Thị Hà: Như tôi đã đề cập ở trên, Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 đã cung cấp nguồn số liệu tin cậy, khoa học để Ủy ban Dân tộc xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo kế hoạch, cuộc điều tra 53 dân tộc thiểu số kỳ này sẽ được tổ chức vào 01/7/2024. Kết quả của cuộc điều tra sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn I: 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển giai đoạn 2026-2030.
PV: Năm 2024 là lần thứ ba Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, Thứ trưởng cho biết sự phối hợp của hai cơ quan trong thực hiện điều tra lần này như thế nào?
TT-PCN UBDT Nông Thị Hà: Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê đã tích cực phối hợp ngay từ khi bắt đầu xây dựng đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê đã khẩn trương rà soát, xây dựng nội dung điều tra, mẫu phiếu điều tra, xác định phân tổ, xây dựng dàn mẫu để xây dựng phương án điều tra. Cuộc điều tra lần thứ nhất được tiến hành từ ngày 01/8 đến 31/8/2018. Đến ngày 29/9/2016, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức Công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số lần thứ nhất, năm 2015.
Sau 70 năm lịch sử hình thành, phát triển của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương, lần đầu tiên cơ quan công tác dân tộc đã có một bộ số liệu đầy đủ, toàn diện, có độ tin cậy để làm căn cứ đánh giá kết quả và xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cũng như chính sách phát triển của cả nước nói chung. Cuộc điều tra năm 2024 này là lần thứ ba hai cơ quan hợp tác tổ chức, bộ phận chuyên môn của hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị. Mỗi nội dung đều được thảo luận, bàn bạc kỹ từ các khâu rà soát, xác định nội dung điều tra, mẫu phiếu, địa bàn điều tra, mức độ đại diện của số liệu, công tác tổ chức, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát… để có sự thống nhất chung nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
PV: Thứ trưởng kỳ vọng gì về kết quả cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024?
TT-PCN Nông Thị Hà: Với việc áp dụng chuyển đổi số trong điều tra, tôi hy vọng sẽ rút ngắn thời gian tổng hợp, rà soát số liệu để có thể công bố kết quả điều tra sớm nhất trong năm 2025. Kết quả của cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương và các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2025 và định hướng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 cũng như các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030; làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức Đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với tiêu chí “không để ai bỏ lại phía sau” thì thông tin thống kê về dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong điều hành chính sách của các ngành, các cấp thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn: consosukien.vn