Đang xử lý.....

Tăng cường chuyển đổi số, sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê 

Công tác chuyển đổi số và sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê là các hoạt động then chốt giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thống kê; tăng cường cung cấp thông tin, số liệu kịp thời, đảm bảo chất lượng. Trong những năm qua, Tổng cục Thống kê đã quyết liệt triển khai thực hiện các nội dung này. Theo đó, chuyển đổi số và sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ nhận thức, nghiệp vụ, năng lực số đến dữ liệu số, hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Kết quả thực hiện

Chuyển đổi nhận thức
Nhận thức ứng dụng công nghệ thông tin là then chốt để thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý và sản xuất thông tin thống kê nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đáp ứng nhu cầu phân tích, hoạch định và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Người đứng đầu mỗi đơn vị của TCTK được giao trách nhiệm về chuyển đổi số trong đơn vị, lĩnh vực phụ trách tổ chức phổ biến và quán triệt chủ trương, nâng cao nhận thức của lãnh đạo, công chức, viên chức thuộc đơn vị về sự cần thiết, cấp thiết, lợi ích của chuyển đổi số. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nên lề lối, phương thức làm việc của lãnh đạo, công chức, viên chức của ngành Thống kê đã có những thay đổi tích cực. Trong đó, một số hoạt động đã thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đó là:
- Tuyên truyền, quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác chuyển đổi số: Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2045; Quyết định số 2172/QĐ-BKHĐT ngày 14/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số; Quyết định số 879/QĐ-TCTK ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tổng cục Thống kê về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025…
- Tổ chức Hội thảo quốc tế về Quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị và giám hộ dữ liệu với sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành thuộc Chính phủ, các tổ chức, chuyên gia quốc tế và trong nước. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối đến 63 Cục Thống kê cấp tỉnh giúp nâng cao nhận thức của Bộ ngành và các công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Thống kê về vai trò của dữ liệu, giám hộ dữ liệu và chuyển đổi số trong công tác thống kê thời đại kỷ nguyên số. Xây dựng tài liệu tuyên truyền phổ biến về kết quả hội thảo (các video tuyên truyền) và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê.
- Tuyên truyền và triển khai phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia các năm 2022, 2023 để hướng tới kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 và Ngày Chuyển đổi số Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2023 (10/10/2023).
- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và nghiệp vụ về an toàn an ninh thông tin và các nhiệm vụ chuyển đổi số tới 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, vai trò của việc sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê được thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật tại Mục 2 Luật Thống kê, trong đó nêu rõ những lĩnh vực dữ liệu hành chính, nội dung sử dụng và trách nhiệm cung cấp, sử dụng, quản lý nguồn dữ liệu này. Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu vào năm 2025 đạt 50%, vào năm 2030 đạt 70% số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính. Để thực hiện mục tiêu này cũng như các mục tiêu khác có liên quan của Chiến lược, Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia sẽ được Chính phủ ký và triển khai đồng bộ tại các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới.

Phát triển dữ liệu số, hạ tầng số và nhân lực số phục vụ công cuộc chuyển đổi số và sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê

Về phát triển dữ liệu số, Tổng cục Thống kê xây dựng Hệ thống thông tin thống kê bao gồm dữ liệu thống kê vi mô và dữ liệu thống kê tổng hợp, dữ liệu báo cáo, thông tin điều hành, tác nghiệp của tất cả các cuộc điều tra, tổng điều tra được xử lý trên môi trường số, tiến tới xây dựng kho dữ liệu thống kê vi mô và dữ liệu đặc tả. Các hoạt động phát triển dữ liệu số trong năm 2023 đã được thực hiện bao gồm:
- Phối hợp xây dựng Danh mục cơ sở dữ liệu, Danh mục dữ liệu mở của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo Quyết định số 1814/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2021 và Quyết định số 1349/QĐ-BKHĐT ngày 02/8/2023; thông qua đó, công bố Danh mục cơ sở dữ liệu, Danh mục dữ liệu mở của Tổng cục Thống kê.
- Cung cấp dữ liệu mở về tình hình kinh tế - xã hội và một số chỉ tiêu chủ yếu như chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp, số liệu xuất nhập khẩu, các danh mục thống kê, số liệu thống kê công khai, miễn phí cho tất cả người dân và doanh nghiệp sử dụng trên Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê và trên Cổng dữ liệu mở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ https://data.mpi.gov.vn.
- Xây dựng các cơ sở dữ liệu điều tra thống kê kết nối với dữ liệu hành chính (dữ liệu Báo cáo tài chính của cơ quan thuế) phục vụ khai thác, biên soạn chỉ tiêu thống kê và xây dựng báo cáo thống kê định kỳ tháng, quý, năm. Hiện nay có khoảng gần 200 cơ sở dữ liệu điều tra đang được lưu trữ và khai thác sử dụng.

- Triển khai thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành thông qua các Quy chế phối hợp công tác thống kê và chia sẻ thông tin thống kê giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành.

Về phát triển hạ tầng số, hệ thống hạ tầng số đã được xây dựng và tiếp tục được nâng cấp mở rộng phục vụ công tác chuyển đổi số ngành Thống kê. Trong đó, hệ thống mạng của toàn Ngành đã được kết nối thành một mạng riêng với 67 điểm kết nối (gồm cơ quan Tổng cục, 03 Trung tâm tin học thống kê khu vực và 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); các Trung tâm tin học Thống kê khu vực tiếp tục thực hiện vai trò là nơi quản lý, vận hành máy chủ, trung tâm dự phòng và sao lưu các dữ liệu và hệ thống vận hành máy chủ nhằm thực hiện các nghiệp vụ thống kê và hệ thống quản lý thông suốt từ trung ương đến các địa phương, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Tất cả các Cục Thống kê đều được trang bị mạng LAN, gồm: Máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị bảo mật được lắp đặt trên một tủ rack. Mỗi công chức, viên chức làm chuyên môn thống kê đều được trang bị máy tính riêng.
Hạ tầng CNTT đã và đang đáp ứng tốt việc cung cấp hàng loạt dịch vụ như quản lý người dùng, phân giải tên miền, cấp địa chỉ IP tự động, thư điện tử, truyền file, trao đổi thông tin, sao lưu dữ liệu, họp trực tuyến, lưu trữ dữ liệu dùng máy chủ ảo… cho người dùng ngành Thống kê.

Về phát triển nhân lực số, nhằm nâng cao năng lực bảo vệ thông tin trên môi trường số, từ năm 2022 đến nay, Tổng cục Thống kê đã tổ chức các lớp tập huấn hằng năm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các lãnh đạo và nhân sự phụ trách công nghệ thông tin của các đơn vị địa phương trong toàn bộ ngành Thống kê. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cử 06 công chức, viên chức tham gia thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tham gia khóa diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ thành lập Đội ứng cứu sự cố với nhiệm vụ quản lý, ứng cứu, xử lý sự cố và săn lùng mối nguy hại trong hệ thống mạng toàn Ngành.
Đội ngũ kỹ sư tin học được trau dồi, nâng cao nghiệp vụ thông qua việc xây dựng/phát triển, xử lý các bài toán CNTT của Ngành với nhiều cải tiến kỹ thuật giúp cho công tác sản xuất thông tin thống kê được thuận lợi và kịp thời hơn; ứng dụng công nghệ thông tin và cải tiến phương thức trao đổi thông tin trong kết nối dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê, đặc biệt là dữ liệu tờ khai thuế hằng tháng với số lượng gần 4,3 triệu tờ khai một năm.

Kết quả chuyển đổi số trong công tác thống kê

Đối với công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý các công việc liên quan đến hoạt động thống kê đã thực hiện triệt để chuyển đổi số nhằm thực hiện nhiệm vụ trên môi trường số. Cụ thể, các ứng dụng/phần mềm chung và nội dung đang sử dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý gồm: Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc (EOffice), Hệ thống theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ (TaskGov); Hệ thống quản lý tài chính và tài sản (MISA); Hệ thống quản lý nhân sự; Hệ thống quản lý công nghệ thông tin (các phần cứng, phần mềm, tài khoản sử dụng, ...); Hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ; Hệ thống quản lý các điều tra thống kê, .... đã được áp dụng triển khai trong toàn Ngành. 100% văn bản, hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng trừ các văn bản, tài liệu chứa bí mật nhà nước. Văn bản được áp dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ do Ban Cơ yếu chính phủ cung cấp.
Ngoài ra, các nghiệp vụ chung khác cũng đã và đang được thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin như: Hợp tác quốc tế, thanh tra, quản lý xây dựng cơ bản.

Đối với sản xuất thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê thực hiện cải tiến quy trình nghiệp vụ sản xuất thống kê nhằm tiếp cận, ứng dụng những tiến bộ khoa học để chuyển đổi toàn bộ quá trình sản xuất thống kê lên môi trường số: Sử dụng bảng hỏi điện tử CAPI, Webform thay thế hình thức phiếu giấy và nhập tin thủ công hoặc công nghệ quét (năm 2023: 84% các cuộc điều tra; mục tiêu 85% vào năm 2025 và trên 95% vào năm 2030 như đã đề ra trong Chiến lược phát triển thống kê). Hoạt động quản lý, điều hành, giám sát thu thập thông tin thống kê được thực hiện chủ yếu trên môi trường số thông qua các trang web điều hành - tác nghiệp, thay thế hình thức giám sát trực tiếp, nhờ vậy, chất lượng thông tin được cải thiện, thời gian thu thập thông tin được rút ngắn. Đặc biệt, đã thực hiện xử lý đồng bộ giữa thông tin thu thập đầu vào và thông tin phổ biến đầu ra để nâng cao chất lượng thông tin thống kê, nhằm hỗ trợ tích cực cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo các cấp trong quản lý, điều hành đất nước.
Ngành Thống kê đã triển khai phổ cập sử dụng các phần mềm phân tích thống kê thông dụng như STATA, SPSS, R, Excel, Microsoft SQL… để phân tích, dự báo và biên soạn báo cáo thống kê từ các nguồn dữ liệu số của ngành.
Cải tiến công tác phổ biến thông tin thống kê theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trực quan hóa số liệu bằng hình ảnh. Một số sản phẩm thông tin được phổ biến theo hình thức mới như: Kho dữ liệu (data warehouse), dashboard, infographic, GIS, video,... Thời gian tới, công tác chuyển đổi số trong phổ biến thông tin thống kê tiếp tục được thực hiện thông qua xây dựng Niên giám thống kê điện tử, Cổng thông tin phổ biến thông tin, dữ liệu thống kê; thực hiện chế độ báo cáo cấp bộ; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành từ trung ương đến địa phương dựa trên nền tảng thu thập và trao đổi dữ liệu; hệ thống dashboard phân tích dữ liệu thống kê.
Bên cạnh đẩy mạnh công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất thông tin thống kê từ điều tra và báo cáo thống kê, Tổng cục Thống kê đã thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong sử dụng dữ liệu hành chính như dữ liệu thuế, hải quan, giáo dục, y tế... Trong đó, dữ liệu thông tin về thuế doanh nghiệp được xử lý và chia sẻ cho Tổng cục Thống kê tự động qua cầu nối dữ liệu giữa hai cơ quan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2018 đến nay; chuyển định kỳ trên hệ thống quản lý dữ liệu. Kết nối và xử lý dữ liệu thuế với dữ liệu điều tra được thực hiện định kỳ thông qua hệ thống thông tin về dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra doanh nghiệp.

Đối với công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin, an ninh mạng, Tổng cục Thống kê thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo Kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng tổng thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; quản lý, vận hành Hệ thống thông tin thống kê theo phương án bảo đảm cấp độ 03 đã được phê duyệt; liên tục giám sát, phát hiện và ngăn chặn các kết nối mất an toàn, thư rác, mã độc, các lỗ hổng bảo mật trong toàn Ngành; xử lý, ứng cứu sự cố theo hướng dẫn nghiệp vụ từ cơ quan chức năng.

Kết quả sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê
Tại Tổng cục Thống kê, nguồn dữ liệu chủ yếu phục vụ báo cáo thống kê là điều tra và tổng điều tra thống kê; mới chỉ có một phần nhỏ dữ liệu hành chính được khai thác, tổng hợp phục vụ công tác thống kê. Cho đến nay, một số nguồn dữ liệu hành chính đang được khai thác, tổng hợp phục vụ công tác thống kê, gồm:
- Dữ liệu đăng ký thuế: Dữ liệu đăng ký thuế của các doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp được Tổng cục Thuế chia sẻ cho Tổng cục Thống kê dùng chung từ năm 2002 nhằm cung cấp một số thông tin làm dàn mẫu cho các cuộc điều tra, đặc biệt là điều tra doanh nghiệp.
- Dữ liệu tờ khai thuế hằng tháng, hằng quý, hằng năm: Gồm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Dữ liệu này được tổng hợp để bổ sung thông tin điều tra phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hằng quý. Sắp tới, dữ liệu tờ khai thuế sẽ được liên kết với dữ liệu điều tra để kiểm tra chéo các thông tin điều tra.
- Dữ liệu báo cáo tài chính: Gồm bảng cân đối kế toán, kết quả sản xuất kinh doanh, các báo cáo thuyết minh... Từ năm 2018, dữ liệu này được sử dụng thay thế một số chỉ tiêu điều tra doanh nghiệp hàng năm giúp cắt giảm 25% kinh phí[1] và giảm gánh nặng cung cấp thông tin. Dữ liệu báo cáo tài chính được sử dụng kết hợp với kết quả của điều tra doanh nghiệp hàng năm để biên soạn, tính toán các chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp về hoạt động của doanh nghiệp.
- Dữ liệu xuất, nhập khẩu: Dữ liệu xuất, nhập khẩu được sử dụng để biên soạn, tính toán các chỉ tiêu thống kê về xuất, nhập khẩu hàng tháng và là dàn mẫu cho một số cuộc điều tra thống kê như điều tra giá xuất nhập khẩu, điều tra xuất nhập khẩu dịch vụ...

Giải pháp để chuyển đổi số thành công

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của hoạt động thống kê cũng gặp những bất cập liên quan đến cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực... Để chuyển đổi số thành công, trong thời gian tới, ngành thống kê cần tập trung một số nhóm giải pháp:

Nâng cao nhận thức: (i) Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong đội ngũ công chức, viên chức thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước. (ii) Tổ chức tập huấn để hướng dẫn, phổ biến thông tin về kỹ năng số, bao gồm: Kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu trên không gian mạng, kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng, sử dụng các dịch vụ số. (iii) Lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tiềm năng, lợi ích và sự cần thiết sử dụng dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu mở trong tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê.

Hoàn thiện quy trình sản xuất thông tin thống kê: Xây dựng văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thống kê đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng và chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ chi tiết sản xuất thông tin thống kê, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật: Ứng dụng nền tảng giải pháp số hoá tài liệu thông minh cho các hoạt động thống kê; kế thừa và chuyển đổi dữ liệu hiện có để quản lý, khai thác đồng bộ trên môi trường số. Ứng dụng các công nghệ hiện đại mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin, kế thừa hạ tầng công nghệ thông tin hiện có để tiết kiệm chi phí. Lựa chọn các công nghệ thông minh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu thống kê.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:Xây dựng nội dung, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về thống kê, công nghệ thông tin đáp ứng các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động thống kê. Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về cách mạng số, chuyển đổi số hoạt động thống kê.
Để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số và tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính cho công tác thống kê, một số nhiệm vụ cần được lưu ý triển khai:

Về chuyển đổi số:
- Sửa đổi cơ chế, chính sách và nâng cao nhận thức: Tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm của các nước tiên tiến cũng như các nước có điều kiện tương đồng trên thế giới và trong khu vực; khảo sát và đánh giá hiện trạng của ngành Thống kê, đặc biệt là hoạt động thống kê của các Bộ, ngành và địa phương; nghiên cứu sửa đổi Luật Thống kê và ban hành các văn bản dưới Luật, tạo điều kiện và tháo gỡ các điểm nghẽn cho tư liệu hóa và chuyển đổi số hoạt động thống kê; tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến cuộc CMCN4.0, chuyển đổi số.
- Đẩy mạnh tư liệu hóa hoạt động thống kê: Xây dựng và ứng dụng quy trình số hóa tài liệu trong hoạt động thống kê; ứng dụng nền tảng giải pháp số hoá tài liệu thông minh theo tiêu chuẩn an ninh thông tin ISO/IEC 27001:2013, đồng thời xây dựng kho tư liệu số (tài liệu đã được số hoá dưới nhiều hình thức khác nhau: văn bản, hình ảnh, audio, video…) về các hoạt động thống kê; ứng dụng các công nghệ hiện đại để xây dựng thư viện số, công nghệ để đáp ứng các yêu cầu là công cụ, môi trường để bảo đảm các tài liệu số hóa sau khi được tạo lập có thể truy cập, tìm kiếm và sử dụng dễ dàng trên một giao diện đồng nhất.
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tạo nền tảng cho chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ triển khai Chiến lược CMCN 4.0: Xây dựng trung tâm dữ liệu mới dựa trên công nghệ điện toán đám mây và kiến trúc siêu hội tụ, đạt chuẩn tối thiểu TIER III để đảm bảo năng lực lưu trữ, tính toán hiệu năng cao, đảm bảo khả năng dự phòng, đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng thông minh, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; đồng thời kết nối nền tảng số của Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn; ứng dụng công nghệ ảo hóa để triển khai các hệ thống thông tin; ứng dụng công nghệ học máy, trí tuệ nhân tạo để khai thác dữ liệu, sản xuất thông tin thống kê từ các nguồn dữ liệu mới; ứng dụng công nghệ Chatbot, xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hỗ trợ thu thập thông tin; ứng dụng công nghệ Blockchain để lưu trữ dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; sử dụng tối đa các sản phẩm thương mại có uy tín, phối hợp với các công cụ đặc thù, có giao diện Web và API mở để chia sẻ, dùng chung và tích hợp với các ứng dụng khác một cách dễ dàng; phát triển các công cụ dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm chi phí đầu tư.

Về tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính
- Tổng cục Thống kê là cơ quan điều phối hoạt động thống kê cần bắt buộc tham gia vào quá trình thiết lập các hệ thống thông tin của bộ, ngành và địa phương để hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và sử dụng số liệu. Sự tham gia của Tổng cục Thống kê sẽ giúp hệ thống thông tin tại bộ, ngành và địa phương được thực hiện đồng bộ, kết nối thông suốt và đảm bảo dữ liệu hành chính có thể sử dụng hiệu quả đồng thời cho công tác quản lý ngành, lĩnh vực và mục đích thống kê.
- Dữ liệu quản lý, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành và địa phương phải được chia sẻ với Tổng cục Thống kê nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia phục vụ điều hành chung của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và báo cáo thống kê. Trước tiên là 05 nguồn dữ liệu: Quản lý thuế (đang được chia sẻ với Tổng cục Thống kê); xuất, nhập khẩu hàng hóa; dữ liệu dân cư; bảo hiểm xã hội; nguồn dữ liệu về thuê bao điện thoại di động (Bộ Thông tin và Truyền thông). Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp tập bản đồ cập nhật hàng năm và dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ công tác thống kê. Các cơ sở dữ liệu được chia sẻ là dữ liệu vi mô nhằm đáp ứng yêu cầu thống kê.
- Nghiên cứu và ứng dụng giải pháp CNTT để kết nối dữ liệu hành chính của các bộ, ngành, địa phương; trong đó, dữ liệu thống kê các cấp tỉnh, huyện, xã phục vụ chỉ đạo, điều hành nhanh của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Mục tiêu là thành lập cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung dùng chung giữa các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đảm bảo số liệu thống kê nhất quán, phản ánh kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia và các địa phương./.

 

Vũ Thị Thu Thủy
Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng CNTT - TCTK

 

 

[1] Báo cáo Ứng dụng Công nghệ thông tin và sử dụng dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn cho hoạt động thống kê của Hệ thống thống kê tập trung, Hội nghị Thống kê toàn quốc năm 2022.