Thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát của Tổng cục Thống kê, ngày 03/7/2024, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cùng đoàn công tác Trung ương thực hiện kiểm tra, giám sát công tác thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai.
Gia Lai nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện), có 12 Chi cục Thống kê huyện, thành phố và khu vực, diện tích tự nhiên là 15,5 nghìn km2, dân số trung bình năm 2023 là 1,6 triệu người, trong đó 45,8% dân số là dân tộc thiểu số (khoảng 738.500 người), chủ yếu là dân tộc Gia Rai chiếm 65,2%, Ba Na chiếm 27,8%.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Gia Lai Trần Quang Minh cho biết, thực hiện Phương án điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê, tỉnh Gia Lai có tổng số 624 địa bàn thực hiện điều tra Phiếu hộ, phân bổ đều trên 17 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 17 địa bàn điều tra toàn bộ hộ dân tộc thiểu số (DTTS), 553 địa bàn điều tra 30 hộ mẫu, 54 địa bàn điều tra 40 hộ mẫu); 191 xã, phường, thị trấn thực hiện điều tra Phiếu xã, trong đó có 176 xã theo Quyết số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và 15 xã không có trong Quyết định 861/QĐ-TTg nhưng có địa bàn điều tra Phiếu hộ.
Điều tra DTTS năm 2024 có nội dung phức tạp, tiếp cận hộ là người dân tộc thiểu số nên Cục Thống kê Tỉnh đã huy động, chú trọng tuyển chọn người lập bảng kê hộ, điều tra viên am hiểu, phù hợp tình hình thực tế tại địa bàn, nhất là trong các địa bàn hộ dân tộc thiểu số không nói được tiếng Kinh. Toàn tỉnh Gia Lai có tổng số 60 điều tra viên thực hiện điều tra Phiếu xã (mỗi điều tra viên thực hiện thu thập thông tin từ 3-5 xã), 624 điều tra viên thực hiện điều tra Phiếu hộ (01 ĐTV điều tra/01 địa bàn). Đồng thời tuyển chọn được 191 tổ trưởng, trực tiếp quản lý công việc của điều tra viên trong thời gian điều tra tại địa bàn điều tra; 21 giám sát viên cấp tỉnh và 68 giám sát viên cấp huyện là công chức Cục Thống kê, Chi cục Thống kê các huyện, thành phố và khu vực. Từ ngày 01/7/2024, cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt ra quân tiến hành thu thập thông tin Phiếu hộ và Phiếu xã.
Sau buổi làm việc với Cục Thống kê tỉnh Gia Lai, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và các thành viên trong đoàn đã xuống kiểm tra, giám sát tại địa bàn điều tra thuộc 2 huyện Mang Yang và Đức Cơ.
Toàn huyện Đức Cơ có 9 xã và 01 thị trấn. Dân số toàn huyện là hơn 80 nghìn người với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Jrai chiếm hơn 46% dân số. Huyện có 01 xã đặc biệt khó khăn là xã Ia Lang; 45 làng đồng bào dân tộc thiểu số, 29 thôn, làng đặc biệt khó khăn.
Huyện Đức Cơ có 34 địa bàn thực hiện điều tra Phiếu hộ (trong đó có 01 địa bàn điều tra toàn bộ hộ DTTS, 31 địa bàn điều tra 30 hộ mẫu, 02 địa bàn điều tra 40 hộ mẫu); 09 xã thực hiện điều tra Phiếu xã, theo Quyết số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tưởng Chính phủ. Chi Cục Thống kê huyện Đức Cơ đã huy động 14 người lập bảng kê; 39 điều tra viên (03 điều tra viên thu thập thông tin Phiếu xã; 34 điều tra viên thu thập thông tin Phiếu hộ; 02 điều tra viên dự phòng); 09 tổ trưởng điều tra; 04 giám sát viên cấp huyện là công chức Chi cục Thống kê.
Còn tại huyện Mang Yang có 12 xã, thị trấn; 80 thôn, làng. Dân số trung bình năm 2023 của Huyện là gần 73,9 nghìn, chiếm 4,77% dân số toàn tỉnh. Dân tộc thiểu số chiếm đa số với tỷ lệ 61,97% (45,7 nghìn người), trong đó dân tộc Banah chiếm tỷ lệ tới 57,53% (42,5 nghìn người).
Theo báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục Thống kê khu vực Mang Yang – Đak Đoa Trần Thành, huyện Mang Yang có 38 địa bàn thực hiện điều tra Phiếu hộ phân bổ đều trên 12 xã (gồm: 02 địa bàn điều tra toàn bộ hộ DTTS, 30 địa bàn điều tra 30 hộ mẫu, 06 địa bàn điều tra 40 hộ mẫu); 12 xã, thị trấn thực hiện điều tra Phiếu xã. Huyện đã huy động 42 điều tra viên, gồm 4 điều tra viên thực hiện thu thập Phiếu xã và 38 điều tra viên thực hiện thu thập Phiếu hộ; 12 tổ trưởng điều tra.
Qua kiểm tra, giám sát thực tế tại địa bàn cho thấy, công tác điều tra thu thập thông tin tại 2 huyện Mang Yang và Đức Cơ gặp một số khó khăn: Việc tiếp cận hộ là người dân tộc thiểu số gặp trở ngại do một số vùng DTTS không biết nói tiếng dân tộc kinh, nhất là các già làng, trưởng bản thế hệ lớn tuổi; Phong tục, tập quán người DTTS gia đình rất đông con, bố mẹ lớn tuổi nên không nhớ đầy đủ thông tin của các thành viên trong gia đình. Với khối lượng câu hỏi khá nhiều, đồng thời phải có người phiên dịch dẫn đến thời gian thực hiện phỏng vấn hộ kéo dài; nhiều hộ ban ngày đi làm nương, rẫy nên điều tra viên phải đến điều tra vào sáng sớm hoặc buổi tối. Đặc biệt, nhiều hộ sinh sống trên nương rẫy khiến điều tra viên phải đi lại nhiều lần mới thu thập được thông tin; thiết bị di động của điều tra viên thuộc nhiều chủng loại, có cấu hình khác nhau, định vị GPS không ổn định nên cũng gây khó khăn cho giám sát viên, điều tra viên thực hiện thu thập thông tin trên phần mềm cũng như ảnh hưởng đến quá trình đồng bộ dữ liệu điều tra Capi lên hệ thống.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê tỉnh Gia Lai, sự hỗ trợ của Ban Dân tộc, các sở ngành; nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; đặc biệt công tác tập huấn thực hiện bài bản, kỹ lưỡng, các điều tra viên đã thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn đúng quy trình, tiến độ. Công tác kiểm tra, giám sát của các điều tra viên cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện sát sao, chặt chẽ.
au kiểm tra, giám sát công tác điều tra tại địa bàn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến yêu cầu Lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Gia Lai và các Chi Cục Thống kê cùng các giám sát viên tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để nắm bắt, xử lý kịp thời các lỗi, sát sót phát sinh nhằm thực hiện tốt công tác thu thập thông tin tại dịa bàn, bảo đảm chất lượng phiếu điều tra.
Nguồn: consosukien.vn