Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu năm 2025, các sản phẩm thống kê được cung cấp tới người sử dụng thông tin thống kê kịp thời đạt 80% và 95% vào năm 2030.
Từ những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược, những năm gần đây, ngành Thống kê liên tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thống kê nhằm hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý, quản trị dữ liệu và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dưới đây, Tạp chí Con số và Sự kiện có bài phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến về chủ đề này.
PV: Thưa Phó Tổng cục trưởng, trước đây, khi chưa thực hiện số hóa hoặc ứng dụng công nghệ thông tin, ngành Thống kê gặp những khó khăn như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến:
Khi chưa có số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), khó khăn rõ nhất đó là vấn đề thu thập và tổng hợp dữ liệu được thực hiện hoàn toàn thủ công nên tốn khá nhiều kinh phí, thời gian, nhân lực, công sức cho việc in ấn, vận chuyển tài liệu, phiếu điều tra; tổ chức tập huấn; điều tra, nhập dữ liệu... Do câu trả lời được tích trên phiếu giấy mà không có công cụ kiểm tra lỗi logic, dẫn đến rất nhiều sai sót ảnh hưởng tới kết quả tổng hợp số liệu. Ngoài ra, việc tổ chức một cuộc điều tra trên diện rộng theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp, ghi câu trả lời bằng phiếu giấy mà không có sự hỗ trợ của công nghệ sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong khâu xử lý, như: Có thể đánh trùng hoặc bó sót thông tin; không xác định rõ được câu hỏi dẫn đến câu trả lời không chính xác; không kiểm soát được việc điều tra viên có xuống địa bàn hay không?... Những bất cập này tồn tại trong thời gian dài và chỉ thực sự được khắc phục khi được số hóa và ứng dụng CNTT.
Bên cạnh đó là khó khăn trong việc lưu trữ, phổ biến số liệu. Trong rất nhiều năm, các số liệu thống kê được lưu trữ bằng hình thức in trên trên tài liệu, ấn phẩm giấy, được tập kết, lưu tại thư viện của cơ quan Tổng cục Thống kê, tuy nhiên do số lượng tài liệu quá lớn, hạn chế về hệ thống dẫn tới khó khăn cho việc lưu trữ, khai thác, tra cứu... Việc phổ biến số liệu thường chậm trễ do liên quan đến việc tổng hợp, biên soạn, in ấn... vẫn mang tính thủ công gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng của thông tin thống kê, ảnh hưởng tới xây dựng, hoạch định chính sách của các cấp quản lý...
PV: Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Thống kê trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu trong những năm qua?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến:
Nỗ lực triển khai tư liệu hóa, chuyển đổi số hoạt động thống kê là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của ngành Thống kê hướng tới tăng khả năng tiếp cận của người dùng tin với dữ liệu thống kê.
Quyết tâm chuyển đổi số thành công, Tổng cục Thống kê đặt mục tiêu hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số, bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và tính giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu, tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê. Đây cũng chính là nội dung của Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia (QĐ 2110/QĐ/BKHĐT) được Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư phê duyệt ngày 29/12/2023.
Tổng cục Thống kê đã và đang nỗ lực thực hiện giải pháp Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu. Cụ thể ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê; đã thực hiện cải tiến quy trình nghiệp vụ sản xuất thông thống kê nhằm tiếp cận, ứng dụng những tiến bộ khoa học để chuyển đổi toàn bộ quá trình sản xuất thống kê lên môi trường số: Sử dụng bảng hỏi điện tử CAPI, Webform thay thế hình thức phiếu giấy và nhập tin thủ công hoặc công nghệ quét (đến năm 2023 trên 84% các cuộc điều tra sử dụng phiếu hỏi điện tử). Hoạt động quản lý, điều hành, giám sát thu thập thông tin thống kê được thực hiện chủ yếu trên môi trường số thông qua các trang web điều hành - tác nghiệp, nhờ vậy, chất lượng thông tin được cải thiện, rút ngắn thời gian thu thập thông tin.
Đặc biệt, đã thực hiện xử lý đồng bộ giữa thông tin thu thập đầu vào và thông tin phổ biến đầu ra để nâng cao chất lượng thông tin thống kê, nhằm hỗ trợ tích cực cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo các cấp trong quản lý, điều hành đất nước; bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê để sử dụng chung.
Bên cạnh đẩy mạnh công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất thông tin thống kê từ điều tra và báo cáo thống kê, Tổng cục Thống kê đã thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong sử dụng dữ liệu hành chính như dữ liệu thuế, hải quan, giáo dục, y tế... Trong đó, dữ liệu thông tin về thuế doanh nghiệp được xử lý và chia sẻ tự động cho Tổng cục Thống kê theo hình thức xây dựng cầu nối dữ liệu giữa hai cơ quan từ năm 2018 đến nay. Kết nối và xử lý dữ liệu thuế với dữ liệu điều tra được thực hiện định kỳ thông qua hệ thống thông tin về dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra doanh nghiệp.
Cải tiến công tác phổ biến thông tin thống kê theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trực quan hóa số liệu bằng hình ảnh. Một số sản phẩm thông tin được phổ biến theo hình thức mới như: Kho dữ liệu (data warehouse), dashboard, infographic, GIS, video,... Hiện, ngành Thống kê đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu của các cuộc điều tra và Tổng điều tra thống kê. Nổi bật là kho dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1999, 2009, 2019; Tổng điều tra kinh tế (trước đây là Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp) các năm 2007, 2012, 2017, 2021; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp (trước đây là Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản) các năm 2006, 2011, 2016. Thời gian tới, công tác chuyển đổi số trong phổ biến thông tin thống kê tiếp tục được triển khai thực hiện thông qua xây dựng Niên giám thống kê điện tử, Cổng thông tin phổ biến thông tin, dữ liệu thống kê; thực hiện chế độ báo cáo cấp bộ; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành từ Trung ương đến địa phương dựa trên nền tảng thu thập và trao đổi dữ liệu; hệ thống dashboard phân tích dữ liệu thống kê...
Song song với việc ứng dụng mạnh mẽ trong sản xuất thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành: Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc (EOffice), Hệ thống theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ (TaskGov); Hệ thống quản lý tài chính và tài sản (MISA); Hệ thống quản lý nhân sự; Hệ thống quản lý công nghệ thông tin (các phần cứng, phần mềm, tài khoản sử dụng,...); Hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ… đã được áp dụng triển khai trong toàn Ngành. 100% văn bản, hồ sơ được xử lý trên môi trường số trừ các văn bản, tài liệu chứa bí mật nhà nước. Văn bản được áp dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ do Ban Cơ yếu chính phủ cung cấp.
Cùng với đó, ngành Thống kê xác định một trong những giải pháp trọng tâm trên hành trình chuyển đổi số tiếp theo là thống nhất dữ liệu. Có nghĩa là cơ sở dữ liệu của ngành Thống kê từ trung ương đến địa phương được xây dựng thành một cơ sở dữ liệu thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính của các bộ, ngành và địa phương để tạo thành một cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất.
Theo đó, Tổng cục Thống kê cũng đã trình và được Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (Quyết định số 1627/QĐ- TTg ngày 15/12/2023, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, hoạch định chính sách cũng như đáp ứng nhu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước, góp phần đưa Thống kê VN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN vào năm 2030 và trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới vào năm 2045.
PV: Những nỗ lực này góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển ngành Thống kê Việt Nam như thế nào, thưa Ông?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến:
Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu:
Về bảo đảm cung cấp sản phẩm thống kê kịp thời và tăng cường cung cấp dữ liệu thống kê vi mô: Đạt 80% các sản phẩm thống kê được cung cấp tới người sử dụng thông tin thống kê kịp thời vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030. Cung cấp dữ liệu thống kê vi mô đáp ứng ít nhất 30% nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước vào năm 2025; 60% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ không hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê xuống dưới 15% vào năm 2025; dưới 5% vào năm 2030.
Về triển khai tư liệu hóa, chuyển đổi số hoạt động thống kê: 50% các hoạt động thống kê được tư liệu hóa vào năm 2025; 95% vào năm 2030; 50% các hoạt động thống kê được chuyển đổi số vào năm 2025; 80% vào năm 2030.
Như vậy, với những nỗ lực cùng kết quả đạt được về số hóa dữ liệu thống kê trong thời gian qua mà tôi đã trình bày ở trên sẽ góp phần đắc lực trong hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng.
Với mục tiêu Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới... thì việc số hóa hiệu quả dữ liệu thống kê sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: consosukien.vn