Ngày 08/01/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia”. Đây là một trong ba đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01/12/2021 về việc phê duyệt chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, giao Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Thống kê đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác xây dựng các Đề án tại Quyết định số 576/QĐ-TCTK ngày 23/5/2022.
rên cơ sở đó, sáng ngày 16/6/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp Tổ công tác xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) thống kê quốc gia. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến tham dự và chủ trì buổi buổi họp. Tham dự buổi họp còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc cơ quan TCTK, Viện Khoa học Thống kê, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia đến từ Công ty Viettel và Công ty FPT, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Đại Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh, Nghị quyết số 01/NQ-CP giao Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ vào tháng 9/2022. Do đó, để đảm bảo tiến độ xây dựng, xin ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo Phó Tổng cục trưởng đề nghị Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Cục TTDL) và chuyên gia giới thiệu nội dung Đề cương của Đề án. Tổ công tác và các chuyên gia từ Viettel, FPT cho ý kiến góp ý nội dung Đề cương đề án, đặc biệt cần chú trọng vào một số nội dung sau: Phạm vi của Đề án; Kết cấu của Đề cương; Nội dung của Đề án tập trung chủ yếu vào Mục tiêu, Nhiệm vụ và Giải pháp thực hiện, trong đó, bám sát vào mục tiêu và nội dung của Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quan điểm về xây dựng dự toán/cơ chế tài chính để triển khai đề án.
Trước đó, Tổng cục Thống kê đã phê duyệt kế hoạch khảo sát tại các sở ngành ở một số địa phương và một số bộ, ngành trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 giao Cục TTDL thực hiện. Cục TTDL đã chủ động liên hệ, làm việc với chuyên gia và các đơn vị công nghệ thông tin uy tín để dự thảo đề cương của Đề án.
Theo đó, Đề Cương Đề án CSDL thống kê quốc gia tập trung gồm 9 nội dung chính, bao gồm: (i) Hiện trạng, vị trí, vai trò và định hướng xây dựng CSDL thống kê quốc gia tập trung; (ii) Cơ sở pháp lý để xây dựng đề án; (iii) Quan điểm về tăng cường năng lực xây dựng Đề án xây dựng CSDL thống kê quốc gia tập trung; (iv) Mục tiêu của Đề án; (v) Các nhiệm vụ chủ yếu; (vi) Giải pháp thực hiện; (vii) Cơ chế tài chính; (viii) Tổ chức thực hiện; (ix) Hiệu quả Kinh tế xã hội của Đề án.
Đề án nhằm xây dựng, quản lý, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung và cung cấp thông tin thống kê bảo đảm tính thống nhất, chính xác, kịp thời, đầy đủ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghiêm túc, nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng và hoàn thiện Đề án. Trong đó, các ý kiến thảo luận tập trung về cấu trúc, ngôn từ của Đề án, phạm vi thông tin được thu thập và tạo CSDL, cần xây dựng Dự án để thực hiện Đề án, cơ chế hoạt động của hệ thống CSDL thống kê quốc gia, thống nhất tên của Đề án… Những ý kiến thắc mắc và đóng góp của các đại biểu đã được đại diện Cục TTDL giải đáp, tiếp thu để bổ sung hoàn thiện Đề án.
Kết thúc buổi họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh đây là Đề án lớn với phạm vi rộng, tác động đến cả xã hội. Để nâng tầm ngành TK, cần phải thực hiện thành công Chiến lược phát triển Thống kê, trong đó có Đề án này, Mỗi đơn vị cần xác định rõ vị trí, vai trò để đóng góp cho sự thành công của đề án. Về cơ sở pháp lý, thành viên Tổ cần rà roát hết cơ sở pháp lý cả cơ sở thực hiện và cơ sở pháp lý thực thi, đánh giá cơ sở đã đảm bảo để thực hiện đề án chưa, từ đó có cơ sở đề xuất cơ sở pháp lý thực hiện đề án. Thứ 2, Để đảm bảo Đề án thực hiện đúng tiến độ, Đề án sẽ không đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Thứ 3, có trách nhiệm giải trình những xung đột của Đề án để Đề án được Chính phủ thông qua. Thứ 4, tập trung vào các dự án để thực hiện Đề án, hạch toán rõ kinh phí, Cục TTDL cần gửi đề cương gửi các bộ ngành địa phương liên quan. Tổ công tác sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để xây dựng thành công Đề án.
Nguồn: consosukien.vn