Đang xử lý.....

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược hướng tới xây dựng ngành Thống kê phát triển bền vững 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương

Phóng viên: Nâng cao chất lượng công tác thống kê không chỉ là đòi hỏi của ngành Thống kê mà còn của cả xã hội. Trong thời gian qua, ngành Thống kê đã thực hiện những đột phá chiến lược nào để nâng cao chất lượng con số thống kê, thưa Bà?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương:

Thời gian vừa qua, cùng với việc thực hiện các đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, ngành Thống kê đã thực hiện những đột phá chiến lược về thể chế, con người, ứng dụng công nghệ thông tin và trong sự kết nối, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương.

Trước hết, ngành Thống kê tăng cường hoàn thiện thể chế, củng cố môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê. Cụ thể, đã hoàn thiện dự thảo, trình Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2021. Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được ban hành kèm theo Luật Thống kê sửa đổi gồm 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó bổ sung những chỉ tiêu phản ánh sự phát triển của nền kinh tế như kinh tế số, logistics và các chỉ tiêu mới phát sinh trong định hướng phát triển đất nước.

Ngay sau khi Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua, trong năm 2022, ngành Thống kê đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Thống kê sửa đổi. Kết quả, ngày 07/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong tháng 02/2023 mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg về Chương trình điều tra thống kê quốc gia (thay thế Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg) và Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (thay thế Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg).

Việc hoàn thiện thể chế thời gian qua giúp hệ thống môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê được củng cố, phục vụ việc thực hiện Luật Thống kê sửa đổi đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương. Đây là kết quả của sự nỗ lực không chỉ của ngành Thống kê mà của cả các bộ, ngành.

Trong năm 2023, Tổng cục Thống kê (TCTK) đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhiều văn bản khác trình cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó có hai văn bản pháp lý quan trọng là dự thảo Nghị định quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (thay thế Nghị định số 60/2018/NĐ-CP) và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành các cấp.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, ngành Thống kê đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01/12/2021 và các đề án lớn của Ngành như Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Đề án ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Về nguồn nhân lực, TCTK luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để nhiều công chức, viên chức được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ. Theo đó, trong năm 2022 dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song TCTK đã cử 2.200 lượt công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến trong nước và ngoài nước. Đây là khối lượng đào tạo lớn, cho thấy ngành Thống kê luôn nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở cả Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, chú trọng yếu tố con người, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê cũng được ngành Thống kê đặc biệt lưu ý tăng cường cả về hạ tầng phần cứng và phần mềm. Trong năm 2022, bên cạnh việc thực hiện triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước theo Quyết định số 501/QĐ-TTg (Đề án 501) và tiếp nhận các dự án khác liên quan đến công nghệ thông tin, ngành Thống kê tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng, hoàn thiện hệ sinh thái quản lý điều hành ngành Thống kê; xây dựng hệ thống thu thập thông tin của các cuộc điều tra chuyển đổi phương pháp mới, giúp việc thu thập, xử lý và tổng hợp số liệu thống nhất giữa các cuộc điều tra và cho phép xuất dữ liệu vi mô của các cuộc điều tra đến cấp tỉnh, phục vụ tổng hợp các chỉ tiêu cần thiết phục vụ địa phương và chuyên ngành; một số cuộc điều tra đã cho phép xuất dữ liệu vi mô đến cấp huyện.

Ngành Thống kê đồng thời triển khai xây dựng Dự án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành từ trung ương đến địa phương”; Dự án “Xây dựng Hệ thống sản xuất thông tin thống kê điện tử”.

Trong phần lớn các cuộc điều tra hiện nay, ngành Thống kê không còn sử dụng phiếu giấy, thay vào đó là sử dụng phiếu điện tử CAPI hoặc Webform. Việc công bố dữ liệu cũng được đưa vào hệ thống thông tin thống kê một cách tự động theo lịch phổ biến thông tin thống kê đã được công bố hàng năm.

Rõ ràng, việc tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước. Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TCTK đạt 88,6/100 điểm, xếp thứ 8 trên 36 đơn vị thuộc Bộ trong năm 2021.

Phóng viên: Bà có thể điểm khái quát một số kết quả ngành Thống kê đã đạt được trong thời gian vừa qua, cụ thể là năm 2022?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương:

Thực hiện những chiến lược trên, trong năm 2022, công tác biên soạn báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, lao động việc làm, các chỉ tiêu thống kê tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê được nâng cao, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của Đảng và Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước. Năm 2022, TCTK đã hoàn thành biên soạn Niên giám thống kê và hơn 20 ấn phẩm, báo cáo thống kê quan trọng; thực hiện phổ biến thông tin thống kê thông qua tổ chức các buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội, lao động việc làm, mức sống hộ dân cư; quản lý và vận hành Trang thông tin điện tử của toàn Ngành. Chất lượng phân tích và dự báo thống kê được nâng cao với 18/18 chuyên đề/báo cáo phân tích và dự báo thống kê được hoàn thành theo kế hoạch; cung cấp số liệu và biên soạn các Báo cáo chuyên đề, chuyên sâu phục vụ tổng kết các Nghị quyết của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư và Ban Kinh tế Trung ương như: Nghị quyết số 54 - NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết số 53-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW...

Ngoài những kết quả trên, ngành Thống kê còn ghi nhận nhiều điểm nhấn: Lần đầu tiên TCTK tổ chức hội nghị Thống kê toàn quốc với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự tham dự của gần 14 nghìn đại biểu. Việc tổ chức thành công Hội nghị Thống kê toàn quốc có ý nghĩa quan trọng, có sức lan tỏa sâu rộng về vai trò của thông tin thống kê trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đến các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, TCTK tham mưu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 về Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, để hướng dẫn các cấp chính quyền đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2021-2026 một cách bài bản, thống nhất, có thể so sánh được. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên TCTK phối hợp với các sở, ngành địa phương để thực hiện biên soạn và công bố kịp thời tốc độ tăng trưởng GRDP ước tính và sơ bộ hằng quý cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả biên soạn đã được Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương tin tưởng, thống nhất sử dụng trong quản lý điều hành các cấp.

Phóng viên: Dù đã có những nỗ lực cải thiện chất lượng thống kê trong thời gian qua, song rõ ràng hiện nay còn có những lổ hổng trong thống kê như nhiều ngành, nhiều lĩnh vực ngành Thống kê chưa chạm tới; sự chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành vẫn còn hạn chế… Theo Bà, làm thế nào để lấp những khoảng trống này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê giữa TCTK với các Bộ, ngành được thực hiện thông qua Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và các Quy chế phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành liên quan. Đến nay, TCTK đã ký 13 quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, trường đại học, tập đoàn, nhằm xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp. Tuy nhiên việc thực hiện còn hạn chế, đó là việc tiếp cận thông tin từ nguồn dữ liệu ban đầu. Hiện nay, TCTK chỉ nhận được báo cáo tổng hợp với những dữ liệu mang tính tổng quát, chưa đảm bảo phục vụ cho việc phân tích dữ liệu chuyên sâu. Do đó, với mong muốn xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, đồng bộ thì TCTK cần có nguồn lực, không chỉ về thể chế, hạ tầng, con người mà còn cần sự kết nối, sự hiểu, thông cảm, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, từ việc xây dựng các quy chế cũng như thể hiện bằng các hoạt động kết nối cụ thể. Chỉ khi tiếp cận được với nguồn dữ liệu ban đầu, TCTK mới có thể có được thông tin để phân tích sâu hơn, rõ nét hơn về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, thông qua các sản phẩm cụ thể ở từng ngành, từng địa phương.

Phóng viên: Vậy thưa Bà, ở chiều ngược lại, ngành Thống kê sẽ chủ động kết nối với các cơ quan, Bộ, ngành, viện nghiên cứu hay các doanh nghiệp để tạo dựng hệ sinh thái dữ liệu như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Ngoài nguồn dữ liệu vi mô có được do chương trình điều tra thống kê quốc gia cũng như các thông tin thống kê do ngành Thống kê triển khai thu thập thì TCTK đã có kết nối trực tiếp với một số cơ quan để có dữ liệu. Ví dụ như, kết nối với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) để có dữ liệu về doanh nghiệp, kết nối với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) để có được dữ liệu phục vụ tổng hợp và biên soạn chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hay kết nối với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để cung cấp thông tin thực hiện báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Ngoài ra, TCTK cũng phối hợp với các Tập đoàn, Tổng Công ty (ví dụ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) trong việc cung cấp và thống nhất số liệu của ngành điện, dầu khí để rà soát số liệu hằng tháng phục vụ biên soạn báo cáo kinh tế - xã hội.

Ở địa phương, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các Sở, ban, ngành được tăng cường. Trong năm 2022, một số Cục Thống kê tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác, quy chế phối hợp với các Sở, ban, ngành, Viện nghiên cứu tại địa phương. Ngoài ra, định kỳ hằng tháng, quý, các Cục Thống kê thường xuyên phối hợp với các Sở, ban, ngành trong việc rà soát số liệu kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khách quan, kịp thời và chính xác phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Việc chia sẻ các dữ liệu này đều được thực hiện theo Luật Thống kê. TCTK đã và đang cố gắng tuyên truyền, phổ biến, đồng thời chia sẻ lợi ích có được để xây dựng dữ liệu dùng chung như xu hướng thế giới. Dữ liệu là nguồn tài nguyên vô giá, dữ liệu chỉ có giá trị khi được đông đảo người dân, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế sử dụng, để các tổ chức, cá nhân có được bức tranh tổng thể cũng như có nhận thức sát với thực tiễn, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp. Những việc làm của TCTK trong thời gian qua với mong muốn cộng tác để cùng nhau lớn mạnh, cùng có giá trị cộng hưởng. Đây chính là thông điệp của TCTK muốn truyền đạt trong nhiều năm nay và cũng là xu hướng chung của thế giới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bà đã trả lời phỏng vấn!

Nguồn: Consosukien.vn

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang