Từ ngày 01/7/2024, Tổng cục Thống kê (TCTK) sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc (UBDT) triển khai thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (Điều tra 53 DTTS) trên phạm vi cả nước.
Theo Kế hoạch, Lễ ra quân Điều tra 53 DTTS năm 2024 cấp Trung ương diễn ra vào sáng ngày 01/7/2024 tại Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Quốc Phương; Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam; cùng đại diện già làng, điều tra viên tại Hòa Bình. Cùng ngày, các Phó Tổng cục trưởng TCTK sẽ tham gia 4 đoàn công tác dự lễ ra quân tại một số địa phương khác trong cả nước.
Cuộc Điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 01/7 đến 15/8/2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh).
Để chuẩn bị cho Điều tra 53 DTTS, đầu tháng 5/2024, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chủ chốt tham gia thực hiện cuộc điều tra gồm: Công chức của cơ quan Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, công chức của các Cục Thống kê và Ban Dân tộc của 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị tập huấn cấp trung ương nhằm hoàn thiện phương án điều tra và tổ chức thực hiện theo đúng phương án được ban hành. Sau hội nghị tập huấn cấp Trung ương, Cục Thống kê các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cấp tỉnh, cấp huyện cho các điều tra viên, giám sát viên để có các kỹ năng tốt nhất trong thực hiện điều tra.
Công tác lập bảng kê được Cục Thống kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có địa bàn điều tra triển khai từ ngày 01/6/2024. Lập bảng kê làm cơ sở để chọn hộ và tính quyền số suy rộng của cuộc điều tra, giúp nắm bắt được thông tin ban đầu về các hộ dân cư và giúp cho cuộc điều tra diễn ra thuận lợi, tránh điều tra trùng hoặc bỏ sót; đồng thời giúp điều tra viên (ĐTV) nhận biết rõ ràng phạm vi ĐBĐT và số hộ phải phỏng vấn trong thời gian thu thập thông tin. Theo kế hoạch, công tác lập bảng kê kết thúc vào ngày 30/6/2024; tuy nhiên, nhiều địa phương đã tiến hành nhanh chóng, thuận lợi và hoàn thành với tỷ lệ 100% trước thời hạn, sẵn sàng cho Điều tra 53 DTTS năm 2024.
Nhằm đảm bảo chất lượng cuộc điều tra, công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt được chú trọng và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu của cuộc điều tra ngay từ ngày đầu tiên của cuộc điều tra (1/7/2024), nhất là công tác kiểm tra, giám sát quá trình thu thập thông tin tại địa bàn. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện phiếu điều tra được thực hiện kết hợp đồng thời cả hai hình thức trực tiếp tại địa bàn điều tra và trực tuyến trên hệ thống trang web điều hành. Mục đích chính nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, các lỗi mang tính hệ thống và sai sót khác gặp phải trong việc tổ chức thực hiện điều tra tại địa bàn, giúp các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biện pháp giải quyết kịp thời.
Với tính chất công việc quan trọng như trên, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng kế hoạch của các đoàn giám sát Trung ương nhằm nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời đến các địa bàn điều tra. Ở cấp Trung ương, TCTK cùng UBDT tổ chức các Đoàn chỉ đạo, giám sát quá trình tiến hành Điều tra 53 DTTS năm 2024 tại các tỉnh, thành phố trung ương có thực hiện điều ra. Ngay sau Lễ ra quân, sẽ có 12 đoàn giám sát với thành viên giám sát chủ lực là các lãnh đạo, công chức của TCTK và UBDT; ngoài ra còn có đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cùng tham gia.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiến độ, tập trung nguồn lực, hướng tới thực hiện thành công Điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024.
Nguồn: consosukien.vn