Sáng 1/7, hầu hết các địa phương trên cả nước đã tổ chức ra quân triển khai thực hiện tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn 2.
Hoạt động điều tra diễn ra trên phạm vi toàn quốc, nhằm thu thập thông tin của khảng 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và khoảng 45.000 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Dự kiến lực lượng tham gia tổng điều tra lần này là 30.000 người; trong đó, có 25.000 điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và sử dụng thành thạo các thiết bị di động.
Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn 2 được thực hiện từ ngày 1-30/7.
Phát biểu tại lễ ra quân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh cuộc tổng điều tra năm nay có sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, với cách làm phù hợp, chính xác nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công tác điều tra cũng như từng điều tra viên.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, trên diện rộng, vấn đề đặt ra là vừa phải hoàn thành nhiệm vụ, nhất là về tiến độ và chất lượng chuyên môn, vừa phải bảo đảm sự an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trên phạm vi toàn quốc.
"Các địa phương cần chủ động trong tuyên truyền, vận động sự tham gia của cơ sở cần điều tra cũng như đáp ứng đầy đủ về trang bị, nguồn nhân lực để bảo đảm chất lượng chuyên môn, sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác trong cung cấp, chia sẻ, xử lý thông tin bảo đảm tiến độ, tính chính xác và chất lượng thông tin đáp ứng tối đa yêu cầu đề ra...," Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, các điều tra viên sẽ tiến hành thu thập thông tin theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp với hình thức sử dụng phiếu điện tử, bảo đảm sự chính xác và nhanh gọn cũng như tạo điều kiện cho sự tích hợp, tổng hợp, phân tích hoặc xử lý những vấn đề nảy sinh.
"Tất cả nhằm phát huy tinh thần chủ động, bảo đảm tiến độ và chất lượng thông tin. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cũng được lồng ghép, tập trung thực hiện trên diện rộng trên các phương tin thông tin đại chúng, chủ động hợp tác, phối hợp giữa các địa phương, cơ quan chức năng cũng như với từng cơ sở sản xuất kinh doanh và tôn giáo tín ngưỡng...," bà Hương cho biết.
Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2 này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu thập thông tin của 367.732 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và khoảng 5.568 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Là địa phương có số lượng đơn vị điều tra lớn nên thành phố Hà Nội đã huy động 3.448 điều tra viên, tổ chức 83 lớp tập huấn nghiệp vụ các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các hình thức như đài, báo, băngrôn, khẩu hiệu, thư gửi các cơ sở thuộc đối tượng điều tra...
Cuộc tổng điều tra được thực hiện bằng nhiều hình thức: điều tra viên phải trực tiếp đến từng cơ sở để thực hiện phỏng vấn, thu thập thông tin; điều tra trực tuyến (web-form) và bằng thiết bị điện tử thông minh (Capi).
Phát biểu tại lễ ra quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh công tác điều tra rất quan trọng, là đầu vào và cơ sở thông tin để hỗ trợ công tác hoạch định, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Mỗi đơn vị cũng như điều tra viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ và sẵn sàng hợp tác để hoàn thành niệm vụ. Bên cạnh đó, chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh, kịp thời xử lý để bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác với chất lượng cao nhất...
Ban Chỉ đạo quận, huyện và thị xã căn cứ kế hoạch, thường xuyên nắm bắt kip thời, hướng dẫn, giải thích những vướng mắc vể nghiệp vụ cho điều tra viên trong suốt quá trình điều tra, đồng thời, kịp thời nắm bắt khó khăn của điều tra viên, báo cáo Ban Chỉ đạo cấp trên những vướng mắc cần phối hợp tháo gỡ.
Đặc biệt, các địa phương hỗ trợ điều tra viên liên lạc với các cơ sở sản xuất kinh doanh tạm nghỉ do dịch COVID-19.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho các điều tra viên, giám sát viên cũng như bảo đảm phòng chống dịch COVID-19, toàn bộ lực lượng điều tra viên, giám sát viên, các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp cần thực hiện tốt các quy định, các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và thành phố.
Điều tra viên thu thập thông tin, phỏng vấn một số chủ cơ sở sản xuất kinh doanh.
Tại tỉnh Nam Định, tham dự lễ ra quân tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nêu rõ năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm và 5 năm Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và từng địa phương, số liệu thống kê từ các cuộc tổng điều tra và điều tra thống kê; trong đó, có Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá hiện trạng và tham mưu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển.
Với ý nghĩa quan trọng đó, để thực hiện thành công cuộc tổng điều tra, ông Nguyễn Trung Tiến đặc biệt lưu ý Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tỉnh, huyện, xã, giám sát viên, điều tra viên và các lực lượng tham gia tổng điều tra thực hiện mục tiêu kép. Đó là tổ chức thành công việc thu thập thông tin tại địa bàn và bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, quy định của Trung ương, địa phương và của Bộ Y tế.
Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tỉnh Nam Định cho biết triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nam Định đã hoàn thành tốt giai đoạn 1 cuộc Tổng điều tra đảm bảo thời gian và chất lượng. Tỉnh đã hoàn thành thu thập thông tin của 7.932 doanh nghiệp trước ngày 30/5/2021; 945 đơn vị sự nghiệp, hiệp hội trước ngày 30/4/2021.
Đối với công tác chuẩn bị giai đoạn 2 của cuộc tổng điều tra, tỉnh đã hoàn thành theo đúng tiến độ. Tỉnh đã tổ chức rà soát, cập nhật danh sách 105,5 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 2.252 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đồng thời tuyển chọn và tổ chức tập huấn cho 726 điều tra viên trong toàn tỉnh hoàn thành trước ngày 25/6/2021.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai tốt tuyên truyền cuộc tổng điều tra tới Ban chỉ đạo các cấp.
Để thực hiện tốt công tác thu thập thông tin giai đoạn 2 Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Phó Chủ tịch Trần Lê Đoài yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cuộc tổng điều tra với các hình thức đa dạng, phong phú để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của tổng điều tra và cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho điều tra viên.
Ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp xã căn cứ điều kiện thực tế trong điều kiện phòng chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho điều tra viên, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giúp đỡ các điều tra thực hiện nhiệm vụ.
“Điều tra viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn được phân công đảm bảo chất lượng và tiến độ điều tra. Việc kiểm tra, giám sát các khâu công việc, nhất là thu thập số liệu ở cơ sở phải được Ban Chỉ đạo các cấp tiến hành thường xuyên chặt chẽ ở tất cả các địa bàn, các điều tra viên. Điều này nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc nảy sinh và khắc phục tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng điều tra," Phó Chủ tịch Trần Lê Đoài nhấn mạnh./.